Xây dựng và hình thành thói quen, hành vi ứng xử văn minh, thân thiện của những người hoạt động liên quan đến ngành du lịch là cần thiết, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách khi đến thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng, vẫn có không ít trường hợp ứng xử kém văn minh khiến du khách bực mình.
Du khách mua đồ lưu niệm tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. |
Anh Trần Duy Sơn (30 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) kể, cuối tháng 7, gia đình anh có người thân ở xa về du lịch ở Đà Nẵng nghỉ tại một khách sạn trên đường Hà Bổng. Anh đến đón khách về nhà mình chơi bằng xe taxi, anh cùng ngồi trên xe và chỉ đường cho lái xe từ khách sạn về nhà anh hết gần 40.000 đồng. Tuy nhiên, khi khách đi chiều ngược lại từ nhà anh về khách sạn, cũng hãng taxi đó nhưng xe khác thì khách của anh phải trả 100.000 đồng.
Hay mới đây, chị Vũ Thị Quế (du khách Nam Định) cũng cảm thấy bực mình khi đi mua sắm ở chợ Hàn. Chị cho biết, thấy trái cây bán ở phía bên hông chợ Hàn ngon quá, chị ghé vào hỏi mua và có mặc cả giá. Người bán hàng đồng ý bán cho chị với giá chị đã trả nhưng “khuyến mãi” thêm khuôn mặt lầm lì cùng câu nói “mua có mấy ký trái cây mà mặc cả thấy ớn”.
Chị Quế chia sẻ: “Thuận mua, vừa bán, tôi trả mức giá đó, nếu họ thấy chưa đủ lời thì họ có thể không bán hàng. Tại sao đồng ý bán nhưng lại nói với khách hàng như thể khách hàng đi xin còn họ là người ban ơn vậy?”.
Đây chỉ là hai trong rất nhiều những câu chuyện nhỏ nhặt diễn ra thường ngày nhưng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý những người mua hàng cũng như du khách khi sử dụng dịch vụ. Một số đơn vị lữ hành trên địa bàn thành phố cũng phàn nàn tại một số điểm mua sắm, tham quan, nhiều khi người cung cấp dịch vụ giữ khoảng cách quá khiến du khách cảm thấy không thoải mái, vui vẻ. Nhiều lễ tân, phục vụ của nhà hàng, khách sạn lạnh nhạt, thiếu kỹ năng giao tiếp thân thiện cũng gây ấn tượng xấu.
Chị Trần Hoàng Thư, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bây giờ mạng xã hội phát triển rộng khắp, một hành vi ứng xử kém thân thiện sẽ lan tỏa rất nhanh chóng và người thiệt hại đầu tiên chính là đơn vị kinh doanh đó. Nếu hình ảnh xấu về một thành phố du lịch càng nhiều thì du khách càng ít đến. Chỉ cần một nụ cười, một thái độ niềm nở cũng khiến du khách cảm thấy gần gũi, thân thiện, vậy tại sao không chọn nụ cười?
Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng ban hành “Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoặc có liên quan đến du lịch, người dân địa phương và du khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố.
Trong đó có các quy tắc về trang phục, bảo vệ môi trường, văn minh thương mại, ứng xử đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này như phải ứng xử đúng mực, tôn trọng khách, có thái độ thân thiện, niềm nở khi phục vụ, không phân biệt đối xử với khách du lịch, không lợi dụng khách du lịch để trục lợi bất chính, luôn sẵn sàng với các câu nói cần thiết như “Xin chào”, “Xin lỗi”, “Xin mời”, “Cảm ơn”… Tuy nhiên, để Bộ quy tắc ứng xử thật sự hiệu quả thì cần phải được tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho từng đối tượng.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố Đà Nẵng đánh giá “Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch” thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc tạo ra điểm đến thân thiện, an toàn, mến khách, đồng thời cũng nhận được sự đồng tình từ phía các doanh nghiệp. “Chúng tôi sẽ nhanh chóng chuyển tải thông tin này đến khách hàng cả trong và ngoài nước, chuyển tải thông điệp một cách rõ ràng của điểm đến là luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, vì sự phát triển bền vững của du lịch thành phố Đà Nẵng”, ông Cao Trí Dũng khẳng định.
Bài và ảnh: Nhật Hạ