ĐNĐT - Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng về việc quy hoạch hệ thống cơ sở lưu trú (CSLT), mới đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Đà Nẵng tiến hành khảo sát, đánh giá sơ bộ tình hình và dự báo xu hướng sắp tới trong lĩnh vực phát triển CSLT, đồng thời nêu ra một số giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng cung đang vượt cầu.
Sở VHTT&DL khuyến nghị một số khách sạn 1-3 sao có thể xem xét chuyển hướng đầu tư kinh doanh vào các dịch vụ phục vụ du lịch. |
Theo đó, từ ngày 3-11-2014 đến ngày 28-11-2014, Sở VH,TT&DL đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tiến hành khảo sát 526 CSLT (bao gồm 426 khách sạn, căn hộ, biệt thự du lịch và 100 nhà nghỉ) trên địa bàn thành phố để thu thập thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh của các cơ sở này phân theo quy mô phòng trong 3 năm từ năm 2012 đến năm 2014, các khó khăn, vướng mắc và ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch.
Kết quả khảo sát cho thấy số lượng CSLT trên địa bàn thành phố phát triển quá nhanh, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
48% các CSLT được khảo sát cho rằng cần có quy hoạch chi tiết, định hướng phát triển CSLT trên địa bàn thành phố.
Lý do mà các cơ sở này đưa ra là phải quy hoạch để khuyến khích loại hình CSLT cần ưu tiên phát triển (40,6%), để xác định loại hình CSLT phù hợp với từng địa bàn quận, huyện (42,6%) và để hạn chế xây dựng CSLT quy mô nhỏ dưới 20 phòng (bao gồm khách sạn và nhà nghỉ) nhằm giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá phòng (88,1%).
Các CSLT cũng đề xuất giảm chi phí cho các hãng hàng không, xúc tiến mở thêm nhiều đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng để góp phần giải quyết bài toán cung vượt cầu, thừa phòng khách sạn trong mùa thấp điểm; mở rộng các tuyến xe buýt du lịch vào nội thành, đến các điểm du lịch và kết nối với Hội An. Thành phố cũng cần có chính sách vay vốn ưu đãi để mở rộng quy mô và nâng cấp trang thiết bị đối với các CSLT du lịch.
Sở VH,TT&DL thành phố cũng đưa ra khuyến nghị về việc đầu tư kinh doanh CSLT trên địa bàn với các doanh nghiệp. Theo đó, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng quy mô hạng 4-5 sao trên địa bàn thành phố là khách sạn được thuê thiết kế và quản lý bởi các tập đoàn quốc tế với những thương hiệu lớn, đang hoạt động kinh doanh với công suất buồng phòng bình quân đạt 70-80%, số ngày lưu trú bình quân đạt từ 3 ngày trở lên.
Các khu nghỉ dưỡng quy mô hạng 4-5 sao có lợi thế khai thác khách quanh năm. Mùa thấp điểm khách nội địa sẽ là thời điểm của khách quốc tế và vào mùa thấp điểm khách quốc tế sẽ là thời điểm khách nội địa tăng. Ngoài ra, các thời điểm khác trong năm có thể khai thác khách hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng.
Trong khi đó, khách lưu trú phổ biến hiện nay là khách nghỉ dưỡng, khách hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng và tập trung lưu trú ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 3-5 sao.
Mặt khác, một số hạn chế các doanh nghiệp thường gặp khi đầu tư xây dựng khách sạn là đa phần các khách sạn quy mô từ 1-3 sao được các chủ đầu tư xây dựng một cách tự phát, thiếu khảo sát, thiếu thông tin thị trường, thiếu thông tin về các tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, thiếu chuẩn bị nhân lực vận hành và kế hoạch kinh doanh.
Một số khách sạn mới đưa vào hoạt động bị hạn chế về thiết kế, công năng sử dụng không đạt các tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng dịch vụ, các tiện ích phục vụ khách dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả.
Vì vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ những quy định của pháp luật và nắm vững để đảm bảo thực hiện đúng luật trong quá trình chuẩn bị và hoạt động kinh doanh… Và từ tình hình thực tiễn trên, Sở VH,TT&DL khuyến khích các tổ chức, cá nhân đang kinh doanh khách sạn ở phân khúc 1-3 sao có thể xem xét chuyển hướng đầu tư kinh doanh vào các dịch vụ phục vụ du lịch khác như: dịch vụ ẩm thực Việt, nhà hàng đặc sản (chuyên phục vụ một đặc sản đặc trưng - có thể độc quyền hoặc chuyển quyền thương hiệu), trung tâm mua sắm, bảo tàng tư nhân, khu vui chơi giải trí, tụ điểm văn hóa, bar-vũ trường…
Bài, ảnh: Thu Hà