.

ABG 5: Cơ hội xúc tiến du lịch tại chỗ

.

ĐNĐT - Sáng 20-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng làm việc với các đơn vị liên quan về kế hoạch khai thác, quảng bá du lịch Đà Nẵng và các hoạt động phụ trợ tại Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 5 (ABG5) sẽ diễn ra vào cuối tháng 9 tới đây. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, ABG 5 là sự kiện lớn lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng, chúng ta phải tranh thủ cơ hội này để xúc tiến du lịch tại chỗ.

ABG5 là cơ hội để quảng bá, xúc tiến du lịch Đà Nẵng, du khách biết đến Đà Nẵng càng nhiều càng tốt. Trong ảnh: Các thủy thủ đội Đà Nẵng-Việt Nam trong chuyến thăm quan Ngũ Hành Sơn trong sự kiện Clipper Race tháng 2-2016.
ABG5 là cơ hội để quảng bá, xúc tiến du lịch Đà Nẵng, du khách biết đến Đà Nẵng càng nhiều càng tốt. Trong ảnh: Các thủy thủ đội Đà Nẵng-Việt Nam trong chuyến thăm quan Ngũ Hành Sơn trong sự kiện Clipper Race tháng 2-2016.

Nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá và phụ trợ

Trong kế hoạch của Sở Du lịch thành phố, sẽ có 6 hoạt động truyền thông quảng bá du lịch và 13 hoạt động phụ trợ trong khuôn khổ diễn ra đại hội. Các hoạt động truyền thông sẽ được chú trọng như Cung cấp ấn phẩm, quà tặng du lịch tại các phiên Hội nghị ABG5, đăng thông tin du lịch Đà Nẵng trên các ấn phẩm, tờ rơi của sự kiện; đặt banner du lịch Đà Nẵng trên các trang website chính thức ABG5, trên Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng và các tài khoản mạng xã hội như facebook, instagram..; đặt các quầy thông tin du lịch tại các điểm thi đấu như Công viên biển Đông, khu vực bãi tắm biển Mỹ Khê, khu dự án Phương Trang, khu bãi tắm Thủy Sơn dưới hình thức dựng các gian thông tin cung cấp thông tin và phát ấn phẩm du lịch, tờ rơi ABG5, tập gấp du lịch Đà Nẵng, Bản đồ du lịch, một số tour du lịch Đà Nẵng…; thực hiện video “Du lịch Đà Nẵng đồng hành cùng sự kiện ABG5”; tổ chức trải nghiệm và ghi hình trải nghiệm của các vận động viên khi tham quan các điểm du lịch Đà Nẵng…

Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố ông Nguyễn Xuân Bình cho  biết, trong số các hoạt động phụ trợ sẽ diễn ra trong khuôn khổ đại hội sẽ tập trung giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của miền Trung và Việt Nam như các hoạt động trong Ngày hội miền biển, ngoáy thúng, biểu diễn bài chòi, tuồng xuống phố…Bên cạnh đó cũng có một số những chương trình đặc biệt chào mừng sự kiện này như Chương trình Ân nhạc đường phố số đặc biệt, Vũ hội đường phố tại khu vực đường Võ Nguyên Giáp…

Tại buổi làm việc các đơn vị liên quan cũng đóng góp các ý kiến để các hoạt động lễ hội thực sự sôi động và thu hút không chỉ các vận động viên (VĐV) tham dự đại hội mà cả các thành viên khác trong các đoàn khách quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, đây là sự kiện rất quan trọng được chọn tổ chức tại Đà Nẵng. Đầu năm 2016, Đà Nẵng đã làm rất tốt trong sự kiện đón các thủy thủ của đoàn đua thuyền buồm vòng quanh thế giới (Clipper Race) và để lại những ấn tượng tốt đẹp với người tham dự thì sự kiện này chúng ta cũng cần có sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan, tổ chức các hoạt động cộng đồng sâu, rộng thu hút các VĐV tham gia. “Đây là một sự kiện thể thao nhưng phải tranh thủ “biến” nó thành một sự kiện văn hóa của thành phố để các VĐV, người thân của họ cũng như truyền thông quốc tế biết đến Đà Nẵng nhiều hơn.

Phải làm sao để các VĐV thật ấn tượng về Đà Nẵng. Mục tiêu chính của các VĐV là tranh tài ở các nội dung thi đấu thì mục tiêu của chúng ta là làm thế nào để họ biết đến Đà Nẵng càng nhiều càng tốt. Ngoài chuyện thi đấu, các VĐV phải cảm thấy hồ hởi, thích thú muốn được trải nghiệm, được ở lại Đà Nẵng”, Phó chủ tịch thành phố nhấn mạnh.

Sự kiện càng sáng tạo, khác biệt càng hấp dẫn du khách

Dù sở Du lịch và các đơn vị liên quan đã đưa ra kế hoạch truyền thông cũng như các hoạt động phụ trợ nhưng Phó chủ tịch Đặng Việt Dũng đánh giá, các đơn vị vẫn chưa xác định rõ ràng, chưa biết tranh thủ cơ hội lớn mang tầm quốc tế này để quảng bá cho ngành du lịch của thành phố. Theo Phó Chủ tịch, hoạt động truyền thông, quảng bá phải được thực hiện cả trước, trong và sau đại hội.

Cụ thể: Trước khi đại hội diễn ra phải kết hợp với ban tổ chức ABG5 giới thiệu cho các VĐV, huấn luyện viên thấy được vẻ đẹp hấp dẫn của Đà Nẵng, những cái họ sẽ không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng. Phải biến những cái đơn giản thành cái hay, cái độc đáo để hấp dẫn khách.

Trong sự kiện, khi đã giới thiệu được với khách những điểm hay, điểm thú vị của Đà Nẵng rồi thì phải đưa được những vị khách này ra khỏi khách sạn để đi thăm thú các tour, tuyến du lịch và đặc biệt mỗi tình nguyện viên phải là một đại sự du lịch. Cái quan trọng là phải giới thiệu được ẩm thực, những món ăn truyền thống của Đà Nẵng.

Làm sao để đưa các cửa hàng ăn uống với các món ăn đặc trưng trở thành một điểm văn hóa, khách đến Đà Nẵng không thể không đến thưởng thức những món ăn này. Và sau sự kiện, khách đi phải có quà mang về, vì vậy Phó Chủ tịch yêu cầu phải có được sản phẩm lưu niệm đặc trưng, có thể nghiên cứu lấy hình ảnh Voọc chà vá chân nâu là biểu tượng của thành phố làm quà tặng khi khách đến tham quan tại các khu điểm.

Theo Phó chủ tịch thành phố, công tác tuyên truyền, quảng bá vẫn còn trầm lắng, chưa được quảng bá rộng rãi. Cần tăng cường quảng bá để người dân, ít nhất là người dân địa phương phải biết được sắp tới Đà Nẵng có sự kiện thể thao lớn diễn ra. Phó chủ tịch yêu cầu Sở Du lịch hoàn chỉnh kế hoạch, tuần tới cung cấp các thông tin chính thức, toàn diện cho ban tổ chức để làm công tác tuyên truyền cho tốt. Các hoạt động phụ trợ phải hướng đến cộng đồng, người dân, mọi người đều có thể tham gia thì mới tạo được sự gần gũi, thân thiện. Các sự kiện càng sáng tạo, khác biệt càng tốt và cái gì hấp dẫn du khách thì nên mạnh dạn, quyết tâm làm.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.