Với địa hình sông ngòi dày đặc, Việt Nam là đất nước có nhiều cầu cảng. Không chỉ giúp nối liền giao thông, phát triển kinh tế, những cây cầu này còn là niềm tự hào của người dân địa phương và trở thành điểm du lịch hút khách.
Cầu Long Biên- cây cầu thép lâu đời nhất Việt Nam
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng (Hà Nội), nối liền hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm. Cầu được Pháp thiết kế và khởi công xây dựng năm 1898, đến 1902 hoàn thành và đặt tên là cầu Doumer.
Khi mới được xây dựng, cầu Long Biên là cây cầu lớn nhất Đông Nam Á với 2990m chiều dài và 896m cầu dẫn. Cho đến nay, trong tâm thức người Việt, đây cũng là chứng tích lịch sử về một thời kì thuộc địa kéo dài gần một thế kỷ.
Nét độc đáo của cầu Long Biên là cách phân luồng giao thông ngược so với những cây cầu khác. |
Lý giải về sự khác thường này, nhiều người cho rằng việc phân luồng như vậy để thuận tiện cho việc vận chuyển sản vật, khoáng sản của Pháp về Mẫu quốc. Do quá trình thăm dò địa chất khi xây dựng có sai sót, nên cầu phía bên phải chịu trọng tải lớn hơn phía bên trái.Xe vận chuyển của Pháp trên đường về phải chở nặng. Để khắc phục việc nghiêng cầu, người Pháp đã phân luồng cho xe chạy ngược hướng bình thường.
Trong chiến tranh, cầu Long Biên thường phải hứng chịu những trận bom đạn nặng nề, dẫn đến các nhịp cầu bị hư hại nặng.
Cầu Long Biên là cây cầu vắt ngang giữa hai thế kỷ, kết nối giữa lịch sử và hiện đại, là giá trị tinh thần không thể thiếu của Hà Nội.
Hiện nay, cầu Long Biên đang được nâng cấp. Theo kế hoạch, đến năm 2030, cầu Long Biên sẽ được cải tạo cầu thành cầu đi bộ.
Cầu Thị Nại- cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam
Đây là cây cầy vượt biển dài nhất Việt Nam, nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai. Cầu dài gần 7km, được khánh thành vào tháng 12/2006 sau 4 năm thi công.
Giữa bán đảo Phương Mai, cầu Thị Nại tạo thành một điểm nhấn giữa không gian hùng vĩ. Kết hợp với hệ thống núi đá trùng điệp và những đồi cát khổng lồ, tất cả tạo nên một khung cảnh đẹp và tráng lệ.
Cầu Thị Nại vừa mang ý nghĩa thúc đẩy kinh tế, vừa là niềm tự hào của người dân đất Võ. Du khách đến Quy Nhơn thường tìm đến cầu Thị Nại để ngắm và trầm trồ trước vẻ đẹp của cây cầu cũng như vẻ đẹp của đất nước Việt Nam.
Cầu Đông Trù- cây cầu rộng nhất Việt Nam
Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống, nằm trên quốc lộ 5 kéo dài, nối xã Đông Hội, huyện Đông Anh ở phía Bắc Hà Nội và phường Ngọc Thụy, quận Long Biên ở phía Nam Hà Nội.
Cầu Đông Trù dài 1,1 km bắc qua sông Đuống, mặt cắt rộng 55 m với 8 làn xe. Ngoài hệ thống đường dẫn hai đầu, cầu gồm 3 nhịp chính trong đó 2 nhịp biên dài 80 m và nhịp giữa sông dài 120 m.
Cầu Đông Trù là công trình đặc biệt để chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. |
Nếu như những cây cầu xây dựng trước đây như Thăng Long, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Chương Dương dường như mới đáp ứng được công năng vận tải, thì cầu Đông Trù còn có điểm nhấn với cảnh quan với kiến trúc lộ rất đẹp.
Công trình không chỉ là bước đột phá trong tiến trình phát triển của thủ đô, mà còn là đòn bẩy góp phần thúc đẩy các khu công nghiệp, đô thị phía Bắc sông Hồng
Cầu Rồng- cây cầu độc đáo nhất Việt Nam
Cầu Rồng có chiều dài 666 m, gồm 6 làn xe và được đánh giá là điểm nhấn của du lịch Đà Nẵng.
Thiết kế của cầu Rồng đã nhận được nhiều giải thưởng lớn tại các lễ trao giải và hiện đang giữ kỷ lục Guinness “Con rồng thép dài nhất”.
Khác với bất kỳ một cây cầu nào khác trên thế giới, cầu Rồng với thiết kế độc đáo mô phỏng hình dáng 1 con rồng đang uốn lượn trên mặt sông Hàn và hướng ra biển Đông. Cầu nổi bật trên nền sông Hàn với màu vàng rực rỡ, đầu rồng ngẩng cao hướng thẳng ra biển, như khẳng định hình ảnh một thành phố năng động tràn đầy sức sống muốn đưa hình ảnh của thành phố du lịch này ra khắp thế giới.
Đúng 21 giờ tối, cầu Rồng sẽ có màn phun nước và lửa rất độc đáo.
Ngoài đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân hai bờ sông Hàn, cầu Rồng được Hiệp hội cầu đường thế giới ghi nhận là “Cây cầu độc đáo nhất Việt Nam”.
Cầu Thuận Phước- cầu treo dây võng hiện đại và dài nhất Việt Nam
Nhắc đến Đà Nẵng, khách du lịch nhớ đến bờ biển dài thơ mộng, nhớ đến thành phố của những cây cầu độc đáo, ấn tượng. Trong đó, cầu Thuận Phước là một mang trong mình vẻ đẹp lộng lẫy, làm xao xuyến bất kỳ du khách khi đến du lịch Đà Nẵng.
Cầu Thuận Phước- dải lụa nối đôi bờ sông Hàn |
Cầu Thuận Phước là cây cầu treo dây võng hiện đại và dài nhất Việt Nam. Tổng chiều dài cây cầu nối 2 bờ vịnh Đà Nẵng là 1.850m, rộng 18m.
Nhìn từ mọi góc độ, cầu Thuận Phước đều mang một dáng vẻ hiện đại, lộng lẫy và đầy quyến rũ.
Cây cầu mở ra khả năng khai thác tiềm năng du lịch cho Đà Nẵng. Cầu Thuận Phước là một địa điểm giúp du khách Ngắm phố Đà hoa lệ lúc về đêm. Mọi thứ được trưng bày trước mắt với những tòa nhà cao tầng, những ngọn đèn lấp lánh…Tại đây, du khách có thể thả hồn mình giữa trời đất, ngẩng đầu lên trời ngắm những vì sao và tận hưởng một chuyến du lịch hết sức thú vị.
Là công trình trọng điểm của thành phố Đà Nẵng, cầu Thuận Phước đang được xem là “chìa khóa vàng” mở cửa cho du lịch Sơn Trà.
Cầu Cần Thơ- cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á
Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Tại thời điểm hoàn thành (2010), đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á, dài 550m.
Hiện, cầu Cần Thơ đang góp phần thông thương tuyến TP HCM đi về thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Nhờ chiếc cầu này, các loại phương tiện giao thông và hàng hóa không phải mất bình quân 15 phút để sang sông theo những chuyến phà, chưa kể nhiều ngày lễ, tết… phải mất cả buổi vì kẹt phà như trước đây.
Cầu Pá Uôn- cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam
Cầu Pá Uôn có quy mô vĩnh cửu bằng bê-tông cốt thép và bê-tông cốt thép dự ứng lực.
Khổ cầu rộng 9 m với 2 làn xe, cầu chính có chiều dài hơn 900m. Toàn cầu có 11 trụ, trong đó trụ chính của cầu cao tới 98,6m. Chiều cao toàn cầu tính từ cao độ đáy sông lên đến cao độ mặt cầu là 103,8m. Đây là cây cầu do đội ngũ cán bộ, kỹ thuật, công nhân của ngành càu đường Việt Nam tự thiết kế và thi công.
Cầu Pá Uôn là dự án được xếp vào cấp đặc biệt quan trọng do kết cấu trụ cầu lớn, biện pháp thi công mới và tiến độ thi công rất hết sức gấp rút để phục vụ cho vùng Tây Bắc khi có thủy điện Sơn La, đồng thời tạo ra tuyến kết nối ngắn nhất giữa hai tỉnh Lai Châu và Sơn La.
Vì cầu Pá Uôn nằm trong vùng động đất cấp 8-9 nên kết cấu thân trụ đã được tính toán kĩ, có thể đảm bảo chịu lực dưới tác động của động đất.
Cầu Sông Hàn- cầu xoay đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam
Cầu sông Hàn là một trong những cây cầu bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Cầu được khánh thành năm 2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công, và là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay.
Vẻ đẹp cầu Sông Hàn về đêm. |
So với nhiều cây cầu khác trong nước, cầu sông Hàn không có tầm vóc quy mô, bề thế, hay hoành tráng nhưng lại có những đặc điểm riêng được nhiều người nói đến… Hàng đêm, khoảng 1 - 2h sáng, phần giữa của cây cầu sẽ quay quanh trục một góc vuông 90 độ, nằm song song với dòng chảy để tàu bè lớn có thể chạy từ sông ra biển và ngược lại.
Thời gian để cầu quay mất khoảng 15 đến 20 phút. Sau khi mở cửa khoảng 4 giờ, cầu Sông Hàn sẽ được xoay về vị trí cũ.
Hầu như hàng đêm, người dân và du khách đều tới hai bờ sông Hàn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cầu quay.
Nhiều người cho rằng, chưa ngắm khoảnh khắc xoay 90 độ của cầu coi như chưa tới Đà Nẵng. Khoảnh khắc chiếc cầu dịch chuyển để lại nhiều cảm xúc cho khách du lịch. Bởi vậy, việc thức khuya để ngắm cầu sông Hàn đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân thành phố nơi đây.
Hoàng Ngọc
Theo Dân trí