Du lịch

Người Trung Quốc hướng dẫn du lịch "chui": Cần xử lý quyết liệt

08:10, 21/09/2017 (GMT+7)

Theo phản ánh của nhiều hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung người Việt, thời gian gần đây, trên địa bàn Đà Nẵng xuất hiện nhiều đối tượng người Trung Quốc trực tiếp dẫn đoàn khách du lịch Trung Quốc. Họ thuyết minh ngay trên xe, tại các điểm tham quan một cách tự do khiến các HDV bức xúc và lo ngại…

Gần 200 HDV tiếng Trung người Việt tại Đà Nẵng vừa ký đơn tập thể gửi lãnh đạo thành phố phản ánh, thời gian gần đây, trên địa bàn Đà Nẵng xuất hiện nhiều đối tượng người Trung Quốc trực tiếp dẫn đoàn khách du lịch Trung Quốc như HDV du lịch. Họ thực hiện công việc hướng dẫn ngay trên xe và tại các điểm đến một cách tự do, trong khi không ai kiểm soát được nội dung thông tin mà các HDV này cung cấp cho du khách…

Một người Trung Quốc hoạt động hướng dẫn du lịch tại Đà Nẵng. (Ảnh do một hướng dẫn viên tiếng Trung tại Đà Nẵng cung cấp ngày 20-9-2017)
Một người Trung Quốc hoạt động hướng dẫn du lịch tại Đà Nẵng. (Ảnh do một hướng dẫn viên tiếng Trung tại Đà Nẵng cung cấp ngày 20-9-2017)

HDV tiếng Trung người Việt tên N.X cho rằng, việc sử dụng HDV du lịch “chui” người nước ngoài không những vi phạm pháp luật Việt Nam, mà còn khiến một bộ phận HDV chính thống tại địa phương mất việc làm. Nếu thực trạng này tiếp diễn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch tiếng Trung và không thu hút được thế hệ HDV trẻ nữa. Một HDV khác (xin giấu tên) bày tỏ bức xúc: Việc sử dụng lao động người nước ngoài làm HDV du lịch “chui” của các công ty lữ hành là vi phạm Luật Du lịch. Hơn nữa, những đối tượng này thực hiện công việc HDV một cách bất hợp pháp. Thị thực nhập cảnh (visa) vào Việt Nam của những người này là visa du lịch nhưng thực tế họ lại làm công việc hướng dẫn...

Các HDV tiếng Trung còn cho rằng, đây là vấn nạn đối với ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp để kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Chí Cường cho biết: “Chúng tôi không dám khẳng định 100% là không có người nước ngoài hành nghề hướng dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thu thập được đủ chứng cứ để xử lý”.

Ông Cường phân tích, trong điều kiện lực lượng mỏng, không thể có mặt tại tất cả các địa bàn để theo dõi; hơn nữa, nếu phát hiện đối tượng người nước ngoài dẫn khách thì rất khó chứng minh họ có làm công việc hướng dẫn hay không (!?).

Vì vậy, các HDV tiếng Trung người Việt nếu phát hiện có tình trạng người nước ngoài hoạt động hướng dẫn trái phép thì quay clip gửi về Sở Du lịch để tổng hợp giải quyết, xử lý tận gốc, có thể tước giấy phép của các công ty có HDV hoạt động trái phép để răn đe (nhưng phải có chứng cứ rõ ràng).

Ông Cường cũng cho biết thêm, rất khó thanh tra việc có hay không tình trạng người nước ngoài hoạt động trái phép vì họ di chuyển liên tục trong quá trình dẫn đoàn. Thanh tra Sở Du lịch đã nhiều lần trực thâu đêm suốt sáng tại sân bay, điểm tham quan; khi có cuộc gọi từ đường dây nóng, lực lượng đều có mặt nhưng nhiều khi đến cũng không phát hiện được.

Luật sư Phạm Thanh, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh nhìn nhận, dù chưa thống kê chính thức nhưng qua phản ánh của các HDV tiếng Trung tại Đà Nẵng, hiện có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc “núp bóng” doanh nghiệp trong nước hoạt động lữ hành tạo điều kiện cho người nước ngoài hướng dẫn du lịch trái phép.

Do đó, tình trạng này không còn là hiếm hoi, nhỏ lẻ mà đang là vấn nạn đối với ngành du lịch tại Đà Nẵng. Vì vậy, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Du lịch, cần vào cuộc quyết liệt để giữ gìn môi trường du lịch lành mạnh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của những HDV tiếng Trung người Việt.

Ông Trần Chí Cường cho biết thêm, trước mắt Sở Du lịch sẽ tăng cường quản lý để nâng cao chất lượng các điểm đến; đồng thời, theo dõi, nắm bắt tình hình để xử lý kịp thời nếu có vi phạm; phối hợp với công an và các ngành chức năng kiểm tra tạm trú, tạm vắng của những người nước ngoài. Nếu phát hiện có tình trạng người nước ngoài hoạt động trái phép, sẽ xử lý nghiêm, trục xuất về nước hoặc tước giấy phép kinh doanh của các đơn vị lữ hành. Cùng với các hoạt động trên, công tác “khoanh vùng” những đối tượng đáng nghi cũng được Thanh tra sở làm quyết liệt, thu thập đủ chứng cứ sẽ bắt và xử lý tại chỗ.

Điều 42, 44 Nghị định 15/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, đặc biệt đối với các tổ chức lữ hành sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế từ 6-12 tháng nếu sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam. Đồng thời, có thể trục xuất người nước ngoài nhập cảnh hoạt động không đúng mục đích theo quy định tại Khoản 9 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Bài và ảnh: ĐAN TÂM

.