.

Chứng khoán đã đến lúc mua vào

.

Sau nhiều phiên giảm mạnh, có lúc chỉ số VN-Index xuống đến ngưỡng dưới 500 điểm, có những lúc cả tuần, thị trường chứng khoán không có phiên giao dịch nào có điểm. Tại các sàn, lệnh đặt mua rất thưa thớt, trong khi khối lượng đặt bán chiếm đa số. Đó là lúc mà niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường đã suy giảm rất nhiều.

Sau nhiều phiên rớt giá, thị trường chứng khoán đã khởi sắc trở lại (ảnh chụp tại đại lý chứng khoán ACBS).

Tuy nhiên, cùng với việc ngày càng nhiều công ty tham gia mua vào cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ đã góp phần bình ổn thị trường. Đặc biệt, những biện pháp cụ thể để bình ổn thị trường chứng khoán của Thủ tướng Chính phủ cũng được đưa ra vào ngày 25-3 đã trực tiếp làm cho thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại, chỉ số VN-Index đã tăng nhẹ và tăng liên tục kể từ những ngày đầu tháng 4, góp phần bình ổn lại thị trường, sau khi tụt dốc không phanh trong những tháng trước đó. Đáng chú ý nhất trong thời điểm này là trong lúc các nhà đầu tư trong nước tìm cách bán tháo các cổ phiếu, thì ngược lại các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gom vào với số lượng tương đối lớn.

Theo phân tích của nhiều nhà đầu tư, đây mới là lúc cần mua vào cổ phiếu chứ không phải bán ra như hiện nay, bởi giá của các loại cổ phiếu đã về đúng giá trị thực của nó, những giá “ảo”, giá “bong bóng” của nhiều loại cổ phiếu trước đó, được đẩy lên quá cao khiến cho không ít các nhà đầu tư “sập bẫy”. Chính vì vậy, việc mua vào lúc này được xem là có lợi hơn so với một số kênh khác như vàng, bất động sản, USD.

Chỉ cần tính qua chỉ số VN –Index là chúng ta có thể thấy chỉ số này đã giảm gần đến 1/2 hoặc hơn 1/2 giá trị trong vòng vài tháng. Nếu như trước đây chỉ số VN-Index tăng đến trên 1.100 điểm (đỉnh cao của năm 2007), thì hiện tại chỉ số VN-Index chỉ ở vào khoảng trên 500 điểm. Khi thị trường chứng khoán có dấu hiệu tụt dốc liên tục, giá các loại cổ phiếu giảm mạnh thì xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư “xả hàng” bán ra, khiến cho thị trường đã bất ổn càng thêm bất ổn. Nhưng đây cũng chính là “hệ quả” của việc đầu tư theo “tâm lý”, cứ thấy cổ phiếu nào lên giá là mua vào, bất kể giá trị thực của chính loại cổ phiếu đó chỉ bằng 1/4, hay 1/3 giá mà nhà đầu tư mua vào.

Thị trường chứng khoán thế giới đã từng chứng kiến những hiệu ứng “đôminô” và đã dẫn đến sự phá sản của hàng loạt các nhà đầu tư “sừng sỏ”, hàng loạt thị trường chứng khoán trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vết xe đổ đó sẽ lặp lại nếu như các nhà quản lý đầu tư chứng khoán không có các biện pháp hỗ trợ mạnh, các nhà đầu tư chứng khoán không bình tĩnh. Các chuyên gia về chứng khoán và người đầu tư cho rằng, việc tăng giá nhanh như vậy là kết quả tất yếu của sự mất cân đối cung cầu quá lớn. Khi các loại cổ phiếu trên thị trường đều có giá quá cao so với giá trị thực của nó thì phần “ảo” đó, đến một ngày nào sẽ gây ra khủng hoảng cho thị trường như đã từng thấy ở các nước phát triển.

Một lãnh đạo ngành Tài chính đã từng nói “nhà đầu tư phải biết cơ hội, biết phân tích tình hình và chịu trách nhiệm với quyết định của mình”.

Bài và ảnh : THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.