Ngày 28-4, Hiệp hội Ngân hàng chính thức thông báo việc các hội viên đã đồng thuận tăng mức trần lãi suất (LS) huy động VNĐ kỳ hạn trên 6 tháng lên 12%/năm và kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống là 11,5%/năm. Mức trần LS huy động USD là 6%/năm.
Thời hạn bắt đầu mức LS trần mới là ngày 29-4. Động thái này được xem bắt nguồn từ việc huy động vốn của các ngân hàng trong quý 1 chỉ đạt trên 4% và dư nợ cho vay đạt khoảng 11% so với cuối năm 2007. Mặt khác, do lạm phát trong 4 tháng qua đã tăng quá mức trần LS 11%/năm và LS cho vay trên thị trường liên ngân hàng đã đạt tới mức 24%/năm cho kỳ hạn 1 tháng.
Việc đồng thuận này đã thổi một luồng sinh khí mới vào công tác huy động vốn của các ngân hàng, vốn đã rất khó khăn trong giai đoạn vừa qua. Trước khi có sự đồng thuận trên, điều dễ nhận thấy nhất ở các ngân hàng vẫn là nguy cơ sẽ có cuộc đua mới về LS. Bởi không ít ngân hàng đã “âm thầm” xé rào LS để bảo đảm tính thanh khoản. Trên thực tế, các ngân hàng lớn vẫn có nhiều lợi thế hơn các ngân hàng nhỏ trong việc thực hiện trần lãi suất 11% hay 12%/năm, chỉ các ngân hàng nhỏ do thiếu vốn nên bằng mọi giá phải huy động cho được tiền gửi. Mà một trong những “chiêu” được các ngân hàng thực hiện là khuyến mãi cao, giá trị giải thưởng lớn để thu hút khách hàng.
Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, việc tăng mức trần lãi suất là tất yếu, để phù hợp với quy luật của thị trường. Không thể bó buộc mức trần lãi suất ở mức 10% hoặc 11%. Điều này dẫn đến những hệ lụy không đáng có, làm sao để lợi ích của người gửi và người vay được bảo đảm công bằng. Qua phân tích, chúng ta có thể thấy, mức huy động trần lãi suất chỉ 11%/năm thì ngân hàng khó huy động được vốn, trong khi đó nhu cầu vay vốn của các tổ chức tín dụng ngày càng tăng cao khiến cho mức cho vay ngắn hạn của các ngân hàng được đẩy lên đến trên 18% - 19%, thậm chí là 20%. Cho nên, nhiều người đồng ý với việc để lãi suất trần tự do, phát triển theo đúng quy luật của thị trường. Như vậy, việc làm trên sẽ giải quyết được hai mục tiêu: tạo mức lãi suất cho vay vừa phải để sản xuất chịu đựng được và đưa lãi suất huy động lên để thu hút tiền gửi. Ngân hàng, người gửi, người vay đều cảm thấy dễ chịu.
Sau khi có động thái trên của Hiệp hội Ngân hàng, hiện các ngân hàng đã thực hiện việc tăng lãi suất trần huy động, cụ thể Ngân hàng TMCP Á Châu tăng LS VNĐ kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng lên 11,5%/năm; các kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng và 24 tháng là 12%/năm. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam cũng đã tăng LS huy động VNĐ tương tự. Nhiều ngân hàng khác cũng đã vào cuộc, mức tăng 12% đã được áp dụng ở hầu hết các ngân hàng. Hy vọng rằng, huy động tín dụng cũng sẽ tăng theo và đáp ứng được nhu cầu vay vốn đang cao của doanh nghiệp. Trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng cổ phần cho rằng, việc bỏ lãi suất trần huy động là quy luật tất yếu, xét trên nhiều khía cạnh thì các ngân hàng có lý do để tăng lãi suất huy động vào thời điểm này. Bởi cung tiền đồng hạn hẹp nên ngân hàng phải biết tự cứu lấy mình, nếu như không muốn kinh doanh bị ảnh hưởng.
Trong lúc các ngân hàng đã “rục rịch” tăng lãi suất trần huy động, thì trước đó, không ít ngân hàng đưa ra các chiêu khuyến mãi huy động vốn hấp dẫn để giữ chân khách hàng, kích thích người dân gửi tiết kiệm. Cho dù một số ngân hàng khẳng định không thiếu tiền đồng, nhưng do cạnh tranh nên phải “tung” chiêu trước.
Với việc đồng thuận đưa mức trần lãi suất huy động lên 12%, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hy vọng đặt một dấu chấm hết cho cuộc đua lãi suất để huy động vốn của các ngân hàng thương mại, nhằm chấm dứt tình trạng giành giật vốn của nhau. Nhưng trên thực tế những diễn biến của thị trường lại cho kết quả ngược lại.
Bài và ảnh: Thành Lân