Ngày 17-6 vừa qua, với diện tích 32.000 m2, hai tòa cao ốc mang tên Indochina Riverside Towers (IRT) đã được khánh thành và đưa vào sử dụng tại một vị trí “không thể tốt hơn” bên bờ sông Hàn.
Tòa nhà IRT nhìn từ cầu Sông Hàn. |
Trong lĩnh vực văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp, tại thành phố Đà Nẵng đến nay ngoài IRT còn có các dự án khác tầm cỡ như Softech, Green Plaza, Vĩnh Trung Plaza đã được đưa vào hoạt động với tổng số trên 450 căn hộ cao cấp và gần 40 ngàn mét vuông văn phòng. Chỉ riêng IRT đã bán hết 95 căn hộ nhờ vị trí đẹp và cho thuê gần 50% diện tích làm văn phòng nhờ một sách lược quảng bá hữu hiệu và ưu thế về vị trí một lô đất vàng nhìn ra sông. Các nơi còn lại xem ra hãy còn khá chật vật trong rao bán và tìm đối tác.
Nhưng không chỉ có vậy, ngay tại trung tâm Đà Nẵng, hiện nay còn có nhiều dự án lớn khác đang xây dựng như Golden Square ở đường Phạm Hồng Thái - Nguyễn Chí Thanh (240 căn hộ, 300 phòng khách sạn và cao ốc văn phòng), Đà Nẵng Center (125 triệu USD tại ngã tư Hùng Vương - Phan Châu Trinh) và Viễn Đông Meridian Towers (200 triệu USD tại khu đất 84 Hùng Vương), hoặc Vina Capital (phía đông cầu Sông Hàn, rộng 9 ha và 200 triệu USD vốn đầu tư)...
Các dự án này đã bắt đầu khởi công từ giữa năm 2007 đến nay... Căn cứ vào vốn đầu tư, tất cả đều lớn hơn IRT nhiều lần. Điều đó có nghĩa là chỉ vài năm nữa, bộ mặt khu trung tâm Đà Nẵng sẽ thay đổi hẳn với nhiều cao ốc 20-30 tầng và các khu thương mại, văn phòng sầm uất. Chỉ nói vậy, người viết bài này cũng vui sướng vì thành phố quê hương đang giàu lên mỗi ngày!
Tuy vậy, nhìn vào những diễn biến của thị trường địa ốc (cả nước và Đà Nẵng) từ đầu năm 2008 đến nay, các chuyên gia trong lĩnh vực này đang bắt đầu lo ngại khi tình trạng bong bóng đã lộ nguyên hình. Các dự án nhà ở cao cấp, văn phòng cho thuê thường có cơ cấu vốn: 20% của chủ đầu tư, 30% là nguồn vay tín dụng từ ngân hàng và 50% còn lại huy động từ khách hàng trả trước. Với tình hình siết chặt cho vay và lãi suất ngân hàng tăng lên cũng như cơn sốt nhà đất đã giảm nhiệt nhanh chóng hiện nay, 80% vốn huy động từ ngân hàng và khách hàng nêu trên đang trở thành bài toán khó cho việc huy động vốn của các dự án đang xây dựng.
Đó là chưa kể nguồn vốn thanh toán trong quá trình thi công của các nhà thầu và cung cấp các dịch vụ khác. Khó khăn vì vậy sẽ sớm trở thành một dây chuyền tác động lẫn nhau đòi hỏi những tính toán kỹ lưỡng và chi li của nhà đầu tư trong việc huy động các nguồn lực và tiến hành dự án. Hầu hết các quyết định đầu tư các dự án lớn về địa ốc lại xảy ra trong lúc cơn sốt nhà đất đang tăng cao trên cả nước cũng là một yếu tố cần nghiên cứu.
Mặt khác, nhìn vào 95 căn hộ của IRT đã bán ra, chỉ có 20% người mua thuộc giới trung lưu Đà Nẵng; số còn lại là người từ nơi khác và người nước ngoài. Trong số 50% công ty thuê mặt bằng làm văn phòng và mặt bằng tại trung tâm thương mại, bóng dáng của doanh nhân Đà Nẵng hầu như không có. Doanh nhân Đà Nẵng, thậm chí như các chi nhánh ngân hàng trong nước thường có khuynh hướng mua đất xây cơ sở riêng ở các khu đô thị. Điều này khác hẳn với các doanh nhân nước ngoài, họ cần một nơi làm việc mà ở đó mọi dịch vụ đều được đáp ứng tại chỗ và chuyên nghiệp!
Chia sẻ quan điểm này với người viết, cả ông Peter Ryder, CEO của Indochina Capital lẫn ông Nguyễn Quang Ninh, Tổng Giám đốc Indochina Land, đều cho rằng dường như đã có dấu hiệu bội thực trong lĩnh vực đầu tư vào căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê tại miền Trung. Ít nhất là hai, ba năm nữa tình hình này mới được cải thiện. Ông Ninh nói thêm, đầu tư vào các chung cư với các căn hộ giá thấp (tại các khu đô thị mới có giá đất rẻ hơn) có lẽ sẽ là những mục tiêu khả thi trong tình hình hiện nay.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG