.

Giải cứu thị trường tài chính

.

Trong vòng hai tuần lễ, Freddie Mac và Fannie Mae được tiếp quản, Lehman Brothers tuyên bố phá sản, Merrill Lynch bị mua lại, AIG thoát hiểm trong phút chót đã tạo nên “cơn địa chấn” tài chính tại Mỹ. Chính phủ Mỹ đã đề ra một kế hoạch giải cứu tài chính lớn nhất để đối phó với cuộc khủng hoảng được cho là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái của những năm 1930.

“Nỗi phiền muộn không hề chấm dứt”

Cuộc khủng hoảng tại Phố Wall được cho là tồi tệ nhất từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Ảnh: REUTERS

Theo tờ Financial Times, có 2 lý do chính tạo nên cơn bão tín dụng này. Thứ nhất, chính là chuỗi các thiệt hại kinh tế từ sự vỡ nợ thế chấp ở Mỹ. Lý do thứ hai thuộc về vấn đề tâm lý. Khi bắt đầu xuất hiện vỡ nợ dưới chuẩn, các nhà đầu tư trở nên mất lòng tin vào những biện pháp đã từng chống đỡ tài chính của thế kỷ 21, như việc biến các khoản vay thành trái phiếu hỗn hợp. Tồi tệ hơn, họ còn mất lòng tin vào khả năng định giá các khoản nợ của mình. 

Chính vì vậy, khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) bơm cho AIG 85 tỷ USD để cứu đại gia bảo hiểm này khỏi phá sản như Lehman Brothers, với hy vọng vực dậy Phố Wall vốn đang bị khủng hoảng, nhưng nỗ lực này đã không mang lại hiệu quả. Trái lại, thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu tiếp tục chao đảo. “Đó là sự sụp đổ hoàn toàn về niềm tin của nhà đầu tư.

Sự khủng hoảng tài chính ở Mỹ đang tác động đến tất cả mọi người, tất cả đang tháo chạy để bảo toàn vốn. Nếu công ty bảo hiểm lớn nhất có thể sụp đổ, sẽ không ai còn an toàn cả”. Francis Lun, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Fulbright tại Hồng Kông, nhận xét như vậy sau khi AIG được cứu nhưng thị trường chứng khoán châu Á vẫn chao đảo.

Nói về cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, tờ International Herald Tribune nhắc lại câu chuyện của 100 năm trước, cũng xảy ra tại Mỹ. Lúc đó, J.P. Morgan đã tập hợp các chuyên gia tài chính đồng nghiệp tại khu biệt thự của mình ở Manhattan giữa cơn hoảng loạn tài chính đang dâng cao và tuyên bố: “Đây sẽ là nơi nỗi phiền muộn này chấm dứt.” (Cơn khủng hoảng năm 1907 đã được giải quyết bởi J.P. Morgan). Tuần trước, một buổi họp tương tự cũng đã được triệu tập tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, với việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) và Bộ trưởng Tài chính Mỹ trao cho ông chủ của các đại gia Phố Wall như Citigroup, Goldman Sachs, và tất nhiên, J.P. Morgan, một tối hậu thư tương tự.

Tuy nhiên, cuộc gặp đã không có được kết cục thành công như cuộc khủng hoảng năm 1907, do vậy, “nỗi phiền muộn này không hề chấm dứt”. Quả thực là cuộc khủng hoảng 2008 còn tồi tệ hơn, với một tập đoàn tài chính đệ đơn bảo lãnh chống phá sản, một tập đoàn khác buộc phải sáp nhập vào một ngân hàng gạo cội, và một “ông lớn” bị Washington quốc hữu hóa.

Hành động chưa từng có

Tổng thống Mỹ Bush cùng Chủ tịch FED Ben Bernanke (trái), Bộ trưởng Tài Chính Henry Paulson (thứ hai từ phải) và Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Christopher Cox tại Nhà Trắng khi tuyên bố giải cứu thị trường tài chính. Ảnh: Reuters

Tiếp đó, ngày 18-9, Tổng thống George W. Bush đã gặp gỡ Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Christopher Cox và Chủ tịch FED Ben Bernanke trong 45 phút để thảo luận về “những tình thế nghiêm trọng tại các thị trường tài chính của chúng ta”, theo hãng tin tài chính The Wall Street Journal.

Sau buổi gặp gỡ, Paulson bày tỏ những nỗ lực của mình như một “biện pháp nhằm đối phó với rủi ro hệ thống và những căng thẳng tại các thị trường tiền tệ”. Theo đó, giải pháp “tổng thể” sẽ giải quyết bất động sản tồn đọng và các tài sản phi tiền mặt khác ngay tại trọng tâm của cuộc khủng hoảng, ông nói.  Theo The Wall Street Journal, kế hoạch này có thể sẽ giống với mô hình Reconstruction Finance Corporation hơn - chương trình giải cứu thời Đại suy thoái được Tổng thống Hoover lập ra năm 1932, sẽ ra sức bơm tiền vào thị trường bằng cách cho các ngân hàng và các doanh nghiệp khác vay tiền.

Một loạt các nhà hoạch định chính sách kỳ cựu, bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers và cựu Chủ tịch FED Paul Volcker, trong nhiều tuần qua đã hối thúc việc thành lập một cơ quan chính phủ như vậy để nỗ lực tìm ra một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng tại các thị trường. Mục tiêu sẽ là làm bình ổn thị trường để các nhà đầu tư lấy lại được lòng tin vào các tổ chức tài chính và bắt đầu lại các hoạt động kinh doanh thông thường.

Ngày 20-9, chính quyền Tổng thống Bush trình lên Quốc hội một kế hoạch 700 tỷ USD cho cuộc giải cứu tài chính, một kế hoạch mà hãng thông tấn AP gọi là nhằm “theo đuổi một quyền hạn phi thường để có thể đối phó với cuộc khủng hoảng”. Nói về kế hoạch này, Tổng thống Bush nói: “Nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, và chúng ta đang đáp lại bằng những hành động chưa từng có”. Phát biểu của ông Bush diễn ra sau một tuần lễ đầy biến động đã làm thay đổi cục diện Phố Wall và giữa những nỗi sợ hãi nghiêm trọng rằng các ngân hàng lớn khác có thể sụp đổ và các thị trường tín dụng sẽ sát bờ vực đóng băng, đe dọa hoạt động của nền kinh tế Mỹ.

Theo bản dự thảo mà báo giới có được, kế hoạch giải cứu sẽ trao cho Washington quyền mua lại tài sản thế chấp xấu từ các tổ chức tài chính của Mỹ trong 2 năm tới. Chính phủ có thể mua lại 700 tỷ USD các khoản thế chấp thương mại, nhà đất và các tài sản có liên quan từ các ngân hàng đặt trụ sở tại Mỹ và các ngân hàng khác. Bản kế hoạch chỉ dài 3 trang nhưng nó sẽ đem lại những quyền hạn vượt trội để Chính phủ có thể phân phát những khoản USD kếch xù từ người đóng thuế trong một chương trình được che chở khỏi những “dòm ngó” của tòa án. Với vụ cứu trợ tài chính này, giới hạn nợ của Chính phủ Mỹ sẽ tăng từ 10,6 nghìn tỷ USD lên 11,3 nghìn tỷ USD.

Nhà Trắng hy vọng đạt được thỏa thuận với Quốc hội về kế hoạch này trước thời điểm các thị trường mở cửa vào ngày hôm nay (22-9). “Chúng tôi đang làm việc với Quốc hội để kế hoạch được thông qua nhanh chóng”, Tổng thống Bush phát biểu tại Nhà Trắng.

“Liều thuốc chính xác vào đúng thời điểm”

Một yếu tố quan trọng khác của kế hoạch giải cứu là quyết định của FED về việc mở rộng một chương trình cho vay khẩn cấp để các ngân hàng thương mại có thể mua các chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản từ các quỹ tiền tệ. Bước đi này ngay lập tức bắt đầu xoa dịu nỗi lo sợ rằng các quỹ tiền tệ sẽ không thể tìm được người mua nếu họ cần bán tài sản để bù vào các khoản rút ra.

The New York Times dẫn lời Charles Schwab, một chuyên gia tài chính Mỹ, cho rằng các biện pháp của Chính phủ là “liều thuốc chính xác vào đúng thời điểm”. Việc can thiệp là rất cần thiết, để giúp hệ thống tài chính có thời gian thiết lập lại trạng thái cân bằng của mình. Ý định của Bộ Tài chính là tạo ra một thực thể giống như Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang, thu các ngân hàng các khoản phí bảo hiểm để được tham gia vào một quỹ sẽ bảo đảm cho tiền gửi của khách hàng của những ngân hàng này.

Tuy nhiên, kế hoạch này cũng gây ra sự phản ứng từ Hiệp hội Ngân hàng Mỹ (ABA), tổ chức có các thành viên cạnh tranh với quỹ đầu tư tiền tệ. Những người lãnh đạo của ABA cảnh báo rằng, kế hoạch này có thể khuyến khích các nhà đầu tư rút tiền từ hệ thống ngân hàng đã bị đè nén để theo đuổi các khoản lợi nhuận cao hơn ở các quỹ tiền tệ khi đã có được sự bảo đảm của Chính phủ.

Theo Sunday Times, các nhà phân tích cũng đồng thời nhận định là đồng USD có thể sẽ bị suy yếu. Kenneth Rogoff, người đã từng là nhà kinh tế phụ trách Quỹ Tiền tệ Quốc tế và hiện đang là giáo sư tại Đại học Harvard, cho biết trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trở nên trầm trọng hơn thì đồng đôla sẽ khó có thể tiếp tục trụ vững được.

Phản ứng của thị trường trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế Mỹ và hành động của các quốc gia khác. “Trung tâm của cuộc khủng hoảng là Mỹ, nhưng chúng cũng cần thiết phải xem xét những phản ứng toàn cầu đối với những vấn đề này”, Gerard Lyons, phụ trách nghiên cứu của Standard Chartered, nhận định trên tờ Sunday Times.                    

 

Chi tiết của kế hoạch 700 tỷ USD giải cứu thị trường Mỹ Bản kế hoạch khá ngắn ngọn trong vòng 800 từ, trong đó gồm các điểm căn bản:

Cho quyền Bộ Tài chính dùng đến 700 tỷ USD để mua chứng khoán liên quan đến địa ốc từ bất kỳ tổ chức tài chính nào của Mỹ.

Nâng hạn mức nợ quốc gia từ 10,6 ngàn tỷ USD lên 11,3 ngàn tỷ USD. Bộ trưởng Tài chính được toàn quyền mua, giữ và bán tài sản theo bất cứ hình thức nào.

Trong đó, gồm cả việc vượt trên các quy chế thông thường về mua bán của Chính phủ, để thuê các công ty tư nhân thực hiện.
Chính phủ được quyền chỉ định các tổ chức tài chính vào vai trò “cơ quan tài chính của Chính phủ” và yêu cầu các tổ chức đó thực thi các “nhiệm vụ thích hợp” được giao.
 
Trong ba tháng đầu tiên và đều đặn mỗi 6 tháng, Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội về việc thực hiện các quyền được trao nói trên.

Hướng dẫn cho Bộ trưởng Tài chính về việc cân bằng giữa ổn định thị trường và bảo vệ người đóng thuế. Kế hoạch sẽ hết hạn trong vòng 2 năm.

 

NHẬT LÊ – QUỲNH ĐAN

;
.
.
.
.
.