Các dự án có vốn đầu tư lớn đang có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành công nghiệp thành phố. Thế nhưng thực tế cho thấy, từ khi hình thành dự án đến khi chính thức đưa các nhà máy, xí nghiệp vào hoạt động, sản xuất là cả một chặng đường dài. Vậy đâu là nguyên nhân?
Dự án của Công ty cổ phần Sữa Vinamilk (KCN Hòa Khánh) đến nay vẫn chưa hoạt động. |
Không chỉ với dự án này, hiện có không ít dự án có vốn đầu tư lớn chưa hoạt động, với nhiều lý do khác nhau hoạt động cầm chừng hoặc đang trông chờ kinh phí hỗ trợ, di dời của thành phố. Dự án nâng công suất săm, lốp ô-tô lên 1 triệu bộ/năm của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng đến nay vẫn chưa thực hiện di dời. Theo Sở Công thương, Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng chậm di dời là do còn chờ thành phố hỗ trợ kinh phí di dời. Dự án Nhà máy Đóng tàu Sông Hàn với nguồn vốn đầu tư 598 tỷ đồng, hiện nay đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng, đóng cọc nhà xưởng, xây bờ kè, tường rào, xây dựng phần móng phân xưởng ống nước. Nhà máy còn nhiều khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt, điện sản xuất khi chính thức đi vào hoạt động.
Một số dự án triển khai còn quá chậm như dự án Nhà máy Sữa của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, với tổng vốn đầu tư 285 tỷ đồng, diện tích sản xuất 300 nghìn m2. Hiện dự án này đã xây dựng xong nhà kho, tường rào, nhà xưởng nhưng vẫn “án binh bất động”, không biết đến khi nào mới triển khai? Dự án Nhà máy cán thép, công suất 250 nghìn tấn/năm hiện đang tạm ngừng đầu tư vì thực hiện cổ phần hóa. Cái khó hiện nay của dự án này là thành phố không cho các lò luyện thép hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường.
Cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm cũng là một trong những khó khăn khi triển khai các dự án có vốn đầu tư lớn. Điển hình, dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ (Khu công nghiệp Hòa Cầm) của Công ty TNHH Matrix Đà Nẵng, chủ đầu tư dự kiến xây dựng trong tháng 5-2006, nhưng do đường vào khu vực nhà máy chưa thảm nhựa, không bảo đảm kỹ thuật nên xe container vào không được, do vậy đến nay vẫn chưa triển khai xong.
Thật ra, trong các dự án lớn của ngành công nghiệp Đà Nẵng, có không ít dự án đã triển khai, hoạt động sản xuất kinh doanh tốt như Dự án dây chuyền sản xuất tôn mạ kẽm, công suất 30 nghìn tấn/năm của Công ty Tân Cường Thành, tổng vốn đầu tư 2,2 triệu USD; dự án lắp ráp động cơ siêu nhỏ của Công ty TNHH Mabuchi Motor (Khu công nghiệp Hòa Khánh) với tổng vốn đầu tư 39,9 triệu USD; dự án sản xuất lắp ráp điện tử Việt Hoa, tổng nguồn vốn đầu tư 15,3 triệu USD…
Do vậy, không thể cho rằng tiến độ hoàn thành chậm là do yếu tố khách quan; phần lớn các doanh nghiệp còn ỷ lại, trông chờ, nhất là các doanh nghiệp thuộc diện đền bù, giải tỏa, di dời. Ngoài ra, tính khả thi và tiến độ thực hiện dự án phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng. Một số dự án có vốn đầu tư lớn khi đã bố trí đất, do nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm thay đổi nên triển khai dự án chậm. Thành phố cần tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoàn thành dự án đúng tiến độ và kiên quyết thu hồi đất của các dự án “chiếm đất”, chậm triển khai.
Bài và ảnh: MINH TUẤN