.
THU HÚT ĐẦU TƯ Ở QUẢNG NAM

Kỳ vọng làm thỏi nam châm

.

Suốt 10 năm qua, Quảng Nam đã và đang như “thỏi nam châm” thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và ghi lại dấu ấn đậm nét trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Những thành tích về thu hút đầu tư

Doanh nghiệp Trường Hải là nhà đầu tư lớn tại Quảng Nam.

Với việc môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, thông thoáng, nhiều nhà đầu tư trong nước và trong tỉnh lựa chọn Quảng Nam làm điểm đến đầu tư. Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 1997 đến năm 2007, tỉnh Quảng Nam đã thu hút được 16.093 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và trong 6 tháng đầu năm nay, thu hút được 9.937 tỷ đồng.

Trong đó, có nhiều dự án lớn như Nhà máy sản xuất và lắp rắp ô-tô Trường Hải (vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng), Nhà máy gạch men Đồng Tâm (416,6 tỷ đồng), Nhà máy kính nổi của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Nhà máy gạch men của Công ty Prime (678 tỷ đồng), Nhà máy cồn Ethanol (407 tỷ đồng), Nhà máy thủy điện A Vương (250 triệu USD, sẽ phát điện tổ máy số 1 cuối năm 2008) và Nhà máy thủy điện Đắc Chưng (4.547 tỷ đồng)…

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được tỉnh Quảng Nam đánh giá là “cú hích” quan trọng giúp địa phương nâng cao khả năng cạnh tranh và đưa kinh tế - xã hội phát triển khả quan hơn. Nếu vào cuối năm 1998, tỉnh Quảng Nam mới thu hút được 12 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 198 triệu USD; đến hết năm 2007, đã thu hút được 72 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 690 triệu USD và trong 7 tháng đầu năm 2008, thu hút được số vốn đăng ký 76,15 triệu USD. Có thể nói, du lịch của Quảng Nam được coi là “thỏi nam châm lớn” thu hút nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn.

Có thể kể tên một số dự án tầm cỡ như Dự án Khu du lịch The Nam Hải Resort (chủ đầu tư là Tập đoàn Indochina), với vốn đầu tư 55 triệu USD, Dự án Khu du lịch Cát Vàng (Golden Sand Resort&Spa) đang hoạt động tốt, góp phần quảng bá cho thương hiệu du lịch Hội An và Quảng Nam... Ngoài ra, lĩnh vực công nghiệp cũng thu hút nhiều dự án đầu tư lớn như dự án của Công ty Giày Rieker (Đức) vốn đầu tư 13,2 triệu USD (nay điều chỉnh tăng lên đến 42,4 triệu USD), hai công ty liên doanh Vàng Bồng Miêu - Phước Sơn...

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tỉnh Quảng Nam cũng xây dựng cho mình những sách lược quan trọng, với danh mục các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

Theo đó, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chủ yếu tập trung vào việc phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, đẩy nhanh xây dựng tỉnh lỵ mới Tam Kỳ, đồng thời, quy hoạch phát triển các khu kinh tế như Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ốc và xây dựng 7 khu công nghiệp (KCN) và hàng trăm cụm công nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng... Đặc biệt, xây dựng Sân bay Chu Lai thành sân bay trung chuyển hàng hóa và hành khách quốc tế vào năm 2015; xây dựng hệ thống thủy điện bậc thang sông Thu Bồn - Vu Gia, với tổng vốn đầu tư lên đến nhiều tỷ USD.

Công nghiệp - dịch vụ sẽ cất cánh vào năm 2020

Khi bàn về định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong thời gian tới, đặc biệt là định hướng kêu gọi các nguồn vốn đầu tư, ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam đến năm 2015 - 2020 và định hướng trở thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ vào năm 2015-2020, Quảng Nam sẽ ưu tiên một số lĩnh vực, đối tác thu hút đầu tư.

Cụ thể, khuyến khích thu hút đầu tư phát triển và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN, các dự án hạ tầng kỹ thuật theo phương thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao); khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh các trường đào tạo nghề công nghiệp và du lịch chất lượng cao, đẩy mạnh các dịch vụ tài chính-ngân hàng, hậu cần cảng biển, sân bay; tập trung thu hút các dự án có công nghệ-kỹ thuật cao từ các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước, hợp tác xây dựng các trung tâm nghiên cứu và triển khai (R&D).

Ông Trần Minh Cả cho biết thêm, Quảng Nam tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ các dự án đầu tư đang triển khai và các dự án du lịch lớn có tổng vốn đầu tư nhiều tỷ USD như dự án của Tập đoàn Sama Dubai, Dự án Dragon Beach Resort (Mỹ), Dự án du lịch của Tập đoàn Vina Capital và Dự án Khu thương mại tự do Chu Lai của Tập đoàn Indochina, đồng thời kêu gọi các dự án đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN, thu hút mạnh đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai...

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.