.

Một năm thành công của công tác xúc tiến đầu tư

.

Tính đến nay, Đà Nẵng đã 3 năm liên tiếp được xếp hạng nhì về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) công bố. Đây là kết quả của sự nỗ lực trong công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư và tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Đà Nẵng. Đây cũng là tin vui cho những nhà đầu tư đã và đang chuẩn bị đầu tư vào Đà Nẵng.

Một góc khu khách sạn, nghỉ dưỡng có vốn FDI đang được xây dựng trên đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc. Ảnh: THÀNH LÂN

Tuy nhiên, để thu hút và cải thiện môi trường kinh doanh của mình, Đà Nẵng cần phải nỗ lực hơn nữa. Vì vậy, việc đột phá trong cải cách hành chính, mạnh dạn triển khai cơ chế “một cửa”, giao quyền cho các Ban Quản lý Khu công nghiệp, giải phóng mặt bằng, ưu đãi với môi trường kinh doanh, đào tạo lao động, các thể chế pháp lý, các chi phí… sẽ là những bước đi mang tính quyết định.

Hiện nay, có gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Đà Nẵng, trong đó dẫn đầu là các nền kinh tế APEC như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Singapore. Bên cạnh đó, gần 150 văn phòng đại diện, chi nhánh của các công ty có vốn FDI đang hoạt động. Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố, tính đến cuối tháng 11-2008, Đà Nẵng đã có 146 dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 2,4 tỷ USD.
 
Riêng trong năm 2008 có 32 dự án đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 1 tỷ USD; trong đó có 5 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là 32,54 triệu USD.

Trong tổng số 32 dự án đầu tư được cấp mới trong năm 2008, có 7 dự án đầu tư về lĩnh vực công nghiệp, 25 dự án về lĩnh vực dịch vụ; trong số đó có 20 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 572 triệu USD và 6 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 344 triệu USD. Ngoài ra, trung tâm đang xúc tiến 12 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 1 tỷ USD trong lĩnh vực du lịch và bất động sản. Riêng số vốn đăng ký của 20 dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2008 đã cao hơn tổng vốn đăng ký đầu tư FDI của 5 năm từ 2001-2006.

Đây là một kết quả rất đáng khích lệ, bởi hiện nay, ngoài sự cạnh tranh về lợi thế của các khu công nghiệp các tỉnh lân cận như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… rất gay gắt thì những khó khăn chung về thị trường tài chính thế giới cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của một số nhà đầu tư.
 
Vì vậy, công tác đẩy mạnh liên kết với các địa phương, ngành để thu hút đầu tư, nhất là đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, vận động trực tiếp tại nước ngoài để thu hút các doanh nghiệp FDI là việc làm không kém phần quan trọng. Song song đó là việc hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu dự án như: điều kiện cơ sở hạ tầng, thị trường, sản phẩm..., giới thiệu địa điểm đầu tư, tiếp xúc với các đối tác, doanh nghiệp tại địa phương.

Thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư ở Đà Nẵng đã đạt được những thành công nhất định. Năm 2008, thu hút đầu tư vào Đà Nẵng đạt ở mức cao, nhiều dự án có quy mô lớn đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đặc biệt là các dự án kinh doanh bất động sản, xây dựng văn phòng, căn hộ để bán và cho thuê, xây dựng khách sạn cao cấp, khu thương mại... như dự án Jade Residence của Hàn Quốc xây dựng khu thương mại, văn phòng cao cấp với tổng vốn 200 triệu USD tại khu vực phường Hòa Cường Bắc;  dự án của Công ty TNHH GVD 1 Việt Nam với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD, đầu tư xây dựng khu căn hộ cao tầng ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), dự án Đà Nẵng Center của Công ty cổ phần Địa ốc Vũ Châu Long, với tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD,  xây dựng và kinh doanh khu căn hộ cao tầng cao cấp, trung tâm thương mại tại số 8 Phan Châu Trinh…

Kết quả đạt được cho thấy môi trường đầu tư của thành phố không ngừng được cải thiện, thủ tục đầu tư ngày càng đơn giản, nhanh chóng. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, lãnh đạo thành phố đã tích cực chỉ đạo, đề ra cơ chế, chính sách sát với thực tế, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án. Tuy nhiên, trong quá trình vận động đầu tư vào thành phố, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như các dự án đầu tư về lĩnh vực sản xuất công nghiệp còn ít, quy mô nhỏ lẻ. Số lượng dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ nguồn không nhiều, một số dự án tiến độ triển khai còn chậm...

Để công tác xúc tiến đầu tư thực sự có hiệu quả và đạt mốc 600 triệu USD kế hoạch dự kiến của năm 2009, trước hết cần tăng cường công tác quy hoạch ngành, khu vực. Và tiếp tục vận động xúc tiến các dự án, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, cơ hội và môi trường đầu tư tại thành phố thông qua các hội nghị, hội thảo, báo chí, truyền hình, mạng Internet.

Tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” về giải quyết các thủ tục đầu tư đối với các dự án ngoài khu công nghiệp; thúc đẩy các cơ quan chức năng hoàn thành sớm công tác giải tỏa đền bù để đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đặc biệt, tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm Xúc tiến Đầu tư với các sở, ban, ngành liên quan của thành phố.

Với một năm thành công của công tác xúc tiến đầu tư, tin tưởng rằng dòng chảy vốn FDI vào Đà Nẵng ngày càng lớn, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.