.

Châu Âu tuyên bố kế hoạch khôi phục kinh tế 200 tỷ euro

.

(ĐNĐT) - Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố một kế hoạch phục hồi kinh tế trị giá 200 tỷ euro (256 tỷ USD) nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng cũng như lòng tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp, và cũng với hy vọng sẽ cứu được hàng triệu việc làm ở châu Âu.

Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso cho rằng chính phủ các nước phải chi ra nhiều hơn nữa.

Trong kế hoạch phục hồi kinh tế với thời hạn 2 năm được công khai hôm 26-11, EC đã kêu gọi 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng chung tay ngăn chặn sự tụt dốc kinh tế ngày càng trầm trọng đã đẩy nhiều nước EU vào trình trạng suy thoái. EC dự kiến các nước thành viên sẽ đóng góp 170 tỷ euro trong khi EU sẽ chi ra 30 tỷ euro còn lại.

Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso phát biểu rằng, trong nhiều tuần vừa qua, chính phủ các nước EU đã cùng hành động để chống đỡ cuộc khủng hoảng tín dụng và khôi phục được đôi chút lòng tin vào các thị trường tài chính, thì lần này các thành viên EU hãy một lần nữa sát cánh với nhau trong kế hoạch này. Chủ tịch EC cho biết, phần lớn hơn của gói khuyến khích sẽ được triển khai vào năm 2009, một số giải pháp khác sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm 2010. Tuy nhiên, kế hoạch do EC đề xuất này cần phải được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh EU lần tới vào tháng 12.

Trước đó một ngày, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đặt trụ sở tại Paris cho biết cuộc khủng hoảng tài chính có khả năng sẽ đẩy các nước đang phát triển trên thế giới lâm vào cảnh suy thoái nặng nề nhất kể từ đầu những năm 80. Theo OECD, sản lượng kinh tế có thể sẽ giảm đi 0,4% trong năm 2009 đối với 30 nước thành viên của tổ chức này - đều là các nước phát triển. EC hôm qua cũng nhắc lại kết luận của OECD, rằng đã đến thời điểm dành cho các giải pháp tài chính then chốt - bao gồm cả việc cắt giảm thuế - miễn là các giải pháp này phải “đúng lúc, đúng mục tiêu, nhất thời, và đồng bộ."

Linh Dung (Theo CNN, BBC)

;
.
.
.
.
.