.

Rộng cửa cho vay, ngân hàng "săn" khách

.

(ĐNĐT) - Hôm nay (13-5) là ngày đầu tiên các quy định về giảm 1% các lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn còn 7%/năm, lãi suất tái chiết khấu còn 5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm còn 8%/năm. Trên thực tế, giảm lãi suất là một chuyện, doanh nghiệp (DN) có mặn mà vay vốn hay không lại là chuyện khác.

Đồng loạt giảm lãi suất

Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa một số lĩnh vực ưu tiên của ngành kinh tế bao gồm: Công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng giảm từ 11% xuống 10%/năm; các tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng lãi suất giảm từ 12% xuống còn 11%/năm.

Trước đó, động thái hạ lãi suất huy động bằng VND đã được các ngân hàng (NH) thương mại lớn công bố. Trong đó, NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đi tiên phong giảm xuống mức thấp nhất là 6%/năm. Tiếp theo là NH Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng hạ xuống 6%/năm; trong khi NH NN&PT Nông thôn giảm xuống 5% và NH Công thương Việt Nam xuống còn 7%/năm... Song hành với việc giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay ở một số NH này cũng đã giảm theo.

Từ đầu tháng 5-2013, ACB đã triển khai chương trình tín dụng “Tiếp cận nhanh, lãi suất thấp” với mức lãi suất ưu đãi cố định từ 9,99%/năm, thời gian xử lý hồ sơ nhanh chóng. Tương tự, VPBank cũng đã triển khai cho vay ưu đãi với lãi suất chỉ từ 6%/năm dành cho khách hàng cá nhân. Maritime Bank triển khai gói sản phẩm 3M với tổng hạn mức tín dụng 3.000 tỷ đồng dành cho DN, với lãi suất cho vay từ 7%/năm trở lên, thời gian cho vay tối đa 6 tháng. Cũng trong thời gian này, OceanBank áp dụng lãi suất cho vay 9,8%/năm đối với hộ kinh doanh, DN có nhu cầu vay vốn ngắn hạn dưới 12 tháng. Trong khi đó, tại BIDV, lãi suất cho vay VND đối với cho vay ngắn hạn 6 đối tượng ưu tiên (cho vay phát triển nông thôn, tài trợ xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các ngành công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao và cho vay khắc phục bão lũ) áp dụng giảm 1%/năm về mức 10%/năm. Còn ở Vietcombank, lãi suất cho vay ngắn hạn còn khoảng 10,5%/năm, cho vay trung, dài hạn thấp nhất khoảng 11,6%/năm. Vietcombank cũng đang dành gần 45.000 tỷ đồng để cho vay với lãi suất ưu đãi 7,5%/năm và 2%/năm...

Theo ông Lê Diệp, Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng, việc các NHTM đẩy mạnh triển khai các giải pháp cung ứng vốn đến tay DN cho thấy thị trường vốn đang có những tín hiệu tích cực và đang “rộng cửa” đón DN. Trong bối cảnh tín dụng giảm mạnh, còn DN “khát” vốn thì giảm lãi suất cho vay vẫn là rất cần thiết. Bởi DN khoẻ thì nền kinh tế mạnh và hoạt động ngân hàng mới thông suốt... 

Tuy nhiên, lãi suất cho vay giảm là một chuyện, việc các DN có hấp thụ được vốn của NH hay không lại là một chuyện khác.

DN vẫn e dè tiếp cận vốn vay

Là một trong những NH thương mại lớn và có uy tín, song những tháng đầu năm 2013, dư nợ tín dụng của BIDV Đà Nẵng vẫn không tăng trưởng được. Ông Trần Hải Vân, Phó Giám đốc chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Ngân hàng hạ lãi suất cho vay mới và các món nợ cũ, nhưng DN vẫn e dè và hạn chế vay vốn ngân hàng. Riêng quý I/2013, dư nợ cho vay của BIDV Đà Nẵng tăng 21 tỷ đồng so với đầu năm (khoảng 0,01%), một con số thấp kỷ lục chưa từng có trong những năm qua.

DN vẫn còn e dè với lãi suất cho vay
DN vẫn còn e dè với lãi suất cho vay

Về lý do khiến các DN hiện vẫn thờ ơ với những gói tín dụng ưu đãi của các NHTM, ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ và chuyển giao công nghệ K&H cho biết: Các NHTM nên xem xét hạ lãi suất trung, dài hạn của các món vay cũ, cũng như những khoản vay mới của DN. Vì đó mới là điều quan trọng nhất hiện nay, bởi nó cần thiết và liên quan đến việc sống còn của các DN. Nhiều DN nhỏ hiện trong giai đoạn “hiểm nghèo” nên các NHTM đưa mức lãi suất cho vay trung, dài hạn về mức 11%-12%/năm là có thể “thoát hiểm” được…

Còn đại diện Công ty TNHH Mỹ Chi, DN kinh doanh trong lĩnh vực sắt thép thì cho rằng, hiện nay sức mua thấp nên khả năng hấp thụ vốn của DN hạn chế. Đồng thời, các NHTM mới chỉ hạ lãi suất cho vay ngắn hạn, còn lãi suất cho vay trung, dài hạn hiện vẫn neo mức cao, và không phải DN nào cũng tiếp cận được mức lãi suất ưu đãi... Bởi đi kèm với đó là các điều kiện ràng buộc từ phía ngân hàng để cấp tín dụng cho DN...

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, Văn Hữu Thiết thì cho hay, hiện rất ít DN có nhu cầu vay vốn đầu tư trung, dài hạn để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh như: đổi mới công nghệ, mua dây chuyền sản xuất, xây mới nhà xưởng, nhà máy..., hầu hết chỉ cần vốn lưu động để duy trì sản xuất…

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều DN phá sản hoặc ngưng hoạt động đã làm giảm nhu cầu tín dụng, những DN “trụ hạn” được thì đa số là không đủ điều kiện vay, lãi suất trả tiền vay vượt khả năng chi trả của DN... nên phía ngân hàng cho rằng dù có hạ thêm 1, 2 điểm lãi suất nữa thì DN vẫn chưa mặn mà vay vốn để mở rộng đầu tư…

Để có thể tăng trưởng được tín dụng trong thời gian tới, điều cần làm bây giờ là Chính phủ nên có cơ chế, chính sách hoặc đứng ra bảo lãnh những DN đang vướng nợ xấu mà vẫn có khả năng phục hồi, giúp DN tiếp cận vốn vay; đồng thời bản thân các DN cũng phải tự cải thiện năng lực, không quá trông chờ vào nỗ lực của các ngân hàng...

Bài và ảnh: Phương Lê

;
.
.
.
.
.