Bất chấp những tuyên bố của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau 30-6 (thời hạn cuối để các ngân hàng tất toán trạng thái vàng), giá vàng trong nước sẽ tiến sát gần với giá vàng thế giới, hơn 1 tháng qua, chênh lệch giá vàng trong nước vẫn luôn cao hơn giá thế giới 4 - 5 triệu đồng/lượng.
Hơn 1 tháng sau hạn tất toán, giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới đến 4 triệu đồng/lượng (ảnh mang tính minh họa). |
Khoảng cách này được duy trì kể từ sau khi các ngân hàng tất toán xong trạng thái vàng. NHNN vẫn liên tục cung cấp vàng cho thị trường thông qua các phiên đấu thầu, nhưng khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới vẫn chưa được rút ngắn thêm.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Lý, trước hết, với tình hình thị trường vàng trong nước chưa được liên thông với thị trường vàng quốc tế thì không thể có việc giá vàng trong nước về sát với giá vàng thế giới được. Trong đó, diễn biến giá vàng trong nước sau ngày 30-6 (hạn cuối cùng tất toán trạng thái huy động vàng của các ngân hàng) còn cao hay thấp so với giá vàng thế giới do tác động bởi nhiều yếu tố, nhưng có thể tập trung bởi 2 nguyên nhân chính là tùy thuộc vào sự điều hành của NHNN và nhu cầu của thị trường.
Trước đó, trong buổi họp báo thường kỳ vào ngày 26-4-2013, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: “Sau ngày 30-6, chênh lệch giá vàng sẽ giảm, vì đó là thời hạn cuối cùng tổ chức tín dụng phải tất toán trạng thái vàng, giảm cầu trên thị trường”. Tính đến hôm nay, NHNN đã tổ chức 50 phiên đấu thầu vàng, cung ứng hơn 50 tấn vàng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) và một số doanh nghiệp (DN) lớn được phép kinh doanh vàng miếng. Gần 6 tuần đã trôi qua, nhu cầu mua bán thực tế trên thị trường không lớn, nhưng vàng đấu thầu tung ra bao nhiêu đều được NH và DN mua hết bấy nhiêu, chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới chưa được thu hẹp như kỳ vọng.
Trên thực tế, số vàng miếng bán ra cho người dân không nhiều, chủ yếu cho các NH. Cũng theo ông Lý, ngày 30-6 vừa qua mới chỉ là thời hạn cuối các NHTM tất toán trạng thái huy động vàng; còn vàng mà NHTM cho vay thì chưa thu hồi được, vì hợp đồng cho vay vàng thường có thời hạn 10 - 15 năm mới đáo hạn. Theo thống kê của NHNN, còn đến 9 tấn vàng mà NHTM đã cho vay chưa thu hồi được; ngoài ra với nghiệp vụ kinh doanh vàng được cấp phép, nhiều NHTM đã tham gia đấu thầu vàng để mua vàng của NHNN bán ra kinh doanh (nhất là trong tình hình hiện nay đầu ra của NHTM rất hạn chế), và do vậy nhu cầu về vàng hiện nay của các NHTM vẫn còn tiếp tục. Bên cạnh đó, nhu cầu mua vàng tích trữ, mua vàng để trả nợ vay vàng, mua vàng để “lướt sóng” kiếm lời hoặc đầu tư của người dân và giới đầu tư vẫn còn cao. Cung không đủ cầu tất yếu dẫn đến giá vàng trong nước vẫn còn chênh lệch cao hơn nhiều so giá vàng thế giới là vậy.
Trước thực tế như vậy, ông Lý cho rằng, nếu vẫn giữ nguyên cách điều hành thị trường vàng như cách làm hiện nay của NHNN thì còn phải đợi một thời gian dài nữa giá vàng trong nước mới về sát giá vàng thế giới. Và như vậy, quốc gia sẽ phải tiêu tốn một lượng ngoại tệ không nhỏ mới bình ổn được giá vàng của thị trường trong nước.
Dự báo thị trường vàng trong thời gian đến các chuyên gia đều cho rằng, về trung và dài hạn thì giá vàng thế giới sẽ theo xu thế giảm dần, nếu tình hình kinh tế thế giới vẫn theo đà như diễn biến hiện nay (nhất là Cục Dự trữ liên bang Mỹ - FED đang chủ trương hạn chế dần để đi đến chấm dứt việc thực hiện chương trình QE3), đồng thời khoảng cách giá giữa thị trường trong nước và thế giới khó có thể thu hẹp hơn khi nhu cầu vàng trong nước vẫn cao như hiện nay.
Bài và ảnh: THÀNH LÂN