.

Khó xử lý nợ xấu liên quan đến thi hành án

.

(ĐNĐT) - Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao. Chỉ riêng trên địa bàn Đà Nẵng, nợ xấu liên quan đến thi hành án (THA) có đến 219 hồ sơ khởi kiện với gần 328 tỷ đồng...

Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị bàn biện pháp xử lý nợ xấu liên quan đến công tác THA do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Đà Nẵng phối hợp với Cục Thi hành án dân sự và Sở Tư pháp thành phố tổ chức ngày 16-8.

Các TCTD gặp khó trong việc xử lý nợ xấu lien quan đến thi hành án (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Các TCTD gặp khó trong việc xử lý nợ xấu liên quan đến thi hành án (Ảnh minh họa).

Theo Võ Minh, Giám đốc NHNN, Chi nhánh thành phố, đến cuối tháng 6-2013, nợ xấu trên địa bàn là 1.816 tỷ đồng, giảm 15,22% so với cuối năm 2012, chiếm 3,52% trên tổng dư nợ; trong đó, khối NHTM Nhà nước 1,84%; NHTMCP, liên doanh, 100% vốn nước ngoài 1,68%. Hiện nay, có 233 hồ sơ khởi kiện tại các cơ quan thi hành án (THA) thành phố với tổng số tiền 373,5 tỷ đồng và giá trị tài sản đảm bảo là 722 tỷ đồng; trong đó, loại tài sản đảm bảo bằng máy móc, thiết bị 26 hồ sơ, bằng bất động sản 152 hồ sơ và bằng các tài sản khác 55 hồ sơ.

Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao. Chỉ riêng trên địa bàn  Đà Nẵng, nợ xấu liên quan đến THA có đến 219 hồ sơ khởi kiện với gần 328 tỷ đồng... Một số NH có số dư nợ xấu lớn như NH Phương Đông, Chi nhánh Đà Nẵng 50,8 tỷ đồng, SHB Đà Nẵng 37,8 tỷ đồng, Kiên Long Bank 35,6 tỷ đồng, NH VPBank 27,2 tỷ đồng... Đáng chú ý, trong số 1.816 tỷ đồng có đến 65% là nợ xấu thuộc nhóm 5 (nhóm có khả năng mất vốn) nhưng chuyển qua THA mới chiếm một tỷ lệ khiêm tốn 27% trong tổng số nợ có khả năng mất vốn.

Theo ông Minh, đối với các khoản nợ xấu mà khách hàng không có thiện chí trả nợ hoặc không còn khả năng trả nợ, các NHTM thực hiện việc khởi kiện ra tòa để thu hồi nợ. Tuy nhiên, sau khi có Quyết định của Tòa án thì công tác thu hồi nợ xấu vẫn còn một số khó khăn.

Bà Lê Thị Hương, đại diện VPBank Đà Nẵng dẫn chứng cụ thể, Công ty Tư vấn và Đầu tư xây dựng Phước Sang, vay 14,5 tỷ đồng, có tài sản đảm bảo 23,5 tỷ đồng, không trả nợ và NH tiến hành các thủ tục khởi kiện ra tòa án. Đến ngày 23-9-2011, bản án có hiệu lực pháp luật và ngày 12-1-2012 cơ quan THA ra quyết định THA nhưng đến nay NH vẫn không nhận được một thông tin nào về việc cưỡng chế kê biên, đấu giá tài sản nào của THA, mặc dù đã nhiều lần làm việc với cơ quan THA. Nhiều NH cũng đề nghị THA nên trả lời các văn bản cho NH biết đối với các bản án đang tiến hành giải quyết.

Theo ông Võ Minh, có 3 lý do chính khiến việc thi hành án chậm trễ. Thứ nhất, các khoản vay liên quan đến nhiều tổ chức tín dụng; tài sản chưa được xác minh; tài sản đang bị tranh chấp, đang phát mãi; tài sản đảm bảo ở các tổ chức tín dụng khác chưa được xử lý. Thứ hai, khách hàng tẩu tán tài sản thế chấp nên thi hành án chưa kê biên được, khách hàng thuộc hộ nghèo, đau ốm, khách hàng bỏ trốn, đi khỏi nơi cư trú... Thứ ba, liên quan đến đơn vị THA. NH đã có văn bản yêu cầu giải quyết hồ sơ nhưng đơn vị THA vẫn chưa tiến hành. Do thời gian kéo dài, làm cho tài sản bị giảm giá trị, lãi phát sinh tăng, dẫn đến tài sản phát mãi có khả năng không thu hồi đủ nợ. Bên cạnh đó, có một số hồ sơ chưa xác minh được điều kiện thi hành án…

Tại cuộc họp, ông Trần Phước Thu, Phó Cục THA Đà Nẵng cho biết, trong quá trình THA, có trường hợp DN lâm vào tình trạng phá sản nên tòa đã tuyên bố mở thủ tục phá sản. Do đó, việc xử lý nợ thực hiện theo các thủ tục phá sản nên kéo dài thời gian THA; khó khăn trong việc tìm tài sản THA; đa số tài sản đảm bảo bằng BĐS nên khi thị trường BĐS đóng băng cũng gặp nhiều khó khăn trong đấu giá, thanh lý tài sản đảm bảo; người chấp hành án không tự nguyện chấp hành bản án hoặc bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Ngoài ra, NH định giá tài sản của khách hàng không chính xác cũng gây khó khăn cho THA và bản thân các NH chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan THA...

Tin, ảnh: Thành Lân

;
.
.
.
.
.