Tài chính
Tăng trưởng tín dụng thấp
Đầu năm 2015, mặt bằng lãi suất đã giảm, song tăng trưởng tín dụng vẫn gặp khó. Nguyên nhân vì đâu?
Mặc dù lãi suất đã giảm nhưng tín dụng đầu năm vẫn tăng trưởng chậm. |
“Đỏ mắt” tìm khách hàng
Tính đến nay, đã hết quý 1-2015, hầu như cán bộ tín dụng của các ngân hàng đều “kêu” vì không tìm được khách hàng cho vay. Chị Nga, cán bộ tín dụng của một ngân hàng có vốn Nhà nước 100% cho biết, hằng năm, mỗi cán bộ tín dụng phải đạt chỉ tiêu trên 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, ra Tết đến nay vẫn chưa tìm được khách hàng nào.
Theo chị Nga, tuy chỉ tiêu đưa ra khá cao, rất áp lực nhưng điều thuận lợi là ngân hàng không xét hằng tháng mà xét theo năm. “Tháng này mình không đủ chỉ tiêu thì tháng sau mình cố gắng bù lại, tháng sau không đủ nữa thì các tháng sau nữa phải “vắt chân lên cổ” mà chạy cho kịp chỉ tiêu cả năm”, chị Nga chia sẻ.
Cũng như chị Nga, anh Minh, cán bộ tín dụng của một ngân hàng thương mại Nhà nước thuộc diện “ăn nên làm ra” cũng than vãn về việc tìm khách hàng đầu năm. Anh Minh cho biết, hằng năm, đến giờ này thì cán bộ tín dụng như anh cũng kiếm nhiều khách hàng vay, nhất là khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay mới có mấy khách hàng quen.
“Để đua chỉ tiêu, sau Tết, mình cũng đã liên hệ rất nhiều. Đến nay có 4 - 5 khách hàng mới nhưng họ chỉ hứa hẹn chứ chưa biết có vay không”, anh Minh lo lắng nói.
Anh Minh tiết lộ, đến thời điểm này, ngân hàng đã đưa ra khá nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng vẫn ít khách vay. “Thấy kinh tế dần phục hồi, cứ ngỡ đầu năm cán bộ tín dụng như bọn mình ngồi không cũng có khách hàng. Vậy nhưng phải tìm đủ mọi cách mà giờ này vẫn chưa đủ chỉ tiêu đề ra”, anh Minh chia sẻ.
Chờ lãi suất giảm
Qua khảo sát tại một số chi nhánh ngân hàng lớn đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hầu hết đều cho rằng mặc dù tín dụng tăng trưởng ở mức dương nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ. Theo lãnh đạo Vietcombank Đà Nẵng, dư nợ giảm gần 200 tỷ đồng so với năm 2014. Để kích cầu tín dụng, Vietcombank đã đưa ra các gói ưu đãi nhưng đến nay khách hàng vẫn chưa tìm đến nhiều.
Agribank Đà Nẵng cũng có tăng trưởng khá chậm, chỉ đạt 4% so với cuối năm 2014. Ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Agribank Đà Nẵng cho rằng, nguyên nhân chính tín dụng tăng trưởng chậm là do chưa phải “thời vụ” doanh nghiệp đi vay. 3 tháng đầu năm chủ yếu các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực giao thông mới cần vốn, bởi họ sản xuất quanh năm, các lĩnh vực khác thì cầm chừng.
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh thành phố Đà Nẵng cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2015, tình hình lãi suất cho vay trên địa bàn có xu hướng giảm dần. Cụ thể, đến cuối tháng 2-2015, lãi suất cho vay đối với phục vụ sản xuất, kinh doanh của các tổ chức tín dụng ở hạn mức ngắn hạn là 8,77%/năm, giảm 0,03%; lãi suất cho vay bình quân trung, dài hạn là 10,56%/năm, giảm 0,1% so với tháng 1-2015.
Mặc dù lãi suất hạ, song dư nợ cho vay các thành phần kinh tế cuối tháng 3-2015 ước thực hiện 63.100 tỷ đồng, giảm 0,62% so với cuối năm 2014. “Thời gian đến, theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lãi suất trung và dài hạn sẽ giảm từ 1-1,5%/năm, đây là thời cơ để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn”, ông Võ Minh cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, thường qua tháng 3, khi quyết toán xong thuế, doanh nghiệp mới tính toán tiếp việc vay vốn để đầu tư. Hơn nữa, thời gian qua, lãi suất huy động giảm sâu nên các doanh nghiệp cũng đang trông chờ lãi suất cho vay giảm. “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tính toán kinh doanh cái gì chắc ăn mới làm, do đó, khi lãi suất vẫn còn tương đối cao thì họ chưa dám mạo hiểm”, ông Lý cho biết.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ