Tài chính

Tăng lãi suất huy động: Nỗi lo người đi vay

07:28, 29/09/2015 (GMT+7)

Gần đây, hàng loạt ngân hàng (NH) có đợt điều chỉnh lãi suất (LS) huy động tăng thêm. Vậy câu hỏi đặt ra, LS cho vay liệu có tăng trong những tháng cuối năm?

Đua nhau tăng lãi suất

Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp (DN), người dân bao giờ cũng tăng cao vào những tháng cuối năm. Vì vậy, để bảo đảm cán cân thanh khoản, các NH buộc phải đẩy LS huy động ở một số kỳ hạn nhằm thu hút nguồn vốn.

Cụ thể, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 12-24 tháng tại Sacombank đều được điều chỉnh tăng 0,1% - 0,2% kể từ ngày 16-9.

Hiện mức LS huy động cao nhất tại NH này là 7,55% đối với kỳ hạn gửi 13 tháng. Kế tiếp là các kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng có mức LS 6,40% một năm. Đây là đợt điều chỉnh LS tiền gửi lần thứ ba kể từ tháng 8 của Sacombank. Tương tự, Eximbank mới công bố biểu LS tiền gửi áp dụng từ 21-9 cũng tăng nhẹ 0,1-0,2% ở một số kỳ hạn.

Trước đó, SeABank đã điều chỉnh LS huy động kỳ hạn 6 tháng lên 5,9%/năm, tăng 0,4%; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2%, lên 6,8%/năm. SCB áp dụng biểu LS với mức LS kỳ hạn 6 tháng là 6,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 6,8%/năm. Từ đầu tháng 9, LienViet PostBank cũng áp dụng biểu LS huy động tiền đồng mới, với mức tăng 0,2% cho hầu hết các kỳ hạn.

Theo ghi nhận, ngoài việc điều chỉnh tăng LS huy động, nhiều NH còn đưa ra các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút người gửi tiền. Chẳng hạn Nam A Bank với chương trình “Gửi tiền ngay – Quà liền tay”, Sacombank tặng mũ bảo hiểm… Tuy nhiên, một điểm khác biệt dễ nhận thấy ở đợt tăng LS huy động lần này là chưa có sự vào cuộc của các NH lớn như VietinBank, BIDV, Vietcombank…

Lãi suất cho vay sẽ tăng?

LS nhích lên là một thông tin đáng mừng đối với người có tiền nhàn rỗi khi kênh gửi tiền này mang tính an toàn, tuy nhiên lại là nỗi lo của những người đi vay, bởi thông thường LS huy động tăng sẽ kéo LS cho vay đi lên.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty TNHH Phương Thành Thư cho rằng, những tháng cuối năm là thời điểm làm ăn của DN, vì vậy nhu cầu vay vốn của DN rất cao. Tuy nhiên, trước sự điều chỉnh tăng LS huy động của các NH vừa qua, có thể trong thời gian tới LS cho vay cũng sẽ được điều chỉnh tăng lên. Vì vậy, DN có nhu cầu vay vốn chắc chắn sẽ phải đắn đo lựa chọn những NH không có sự điều chỉnh tăng LS huy động trong đợt này.

Lý giải về việc điều chỉnh tăng LS, đại diện các NH cho rằng, do dư nợ tăng quá nhanh nên NH phải tìm cách hút vốn huy động để cho vay. Vậy, khi LS huy động tăng có ảnh hưởng đến LS cho vay của NH không?

Về vấn đề này, Giám đốc một NH TMCP cho hay: Các NH luôn tính toán kỹ trước khi tăng/giảm LS để tổng hòa lợi ích chung. Trước kia, thông thường LS đầu vào tăng thì LS đầu ra cũng tăng tương ứng; một số NH thậm chí còn tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã khác. Các NH cạnh tranh tăng LS đầu vào để hút vốn thì cũng cạnh tranh giữ LS đầu ra ổn định để đảm bảo tăng trưởng tín dụng.

Phân tích thêm về việc các NH điều chỉnh tăng LS huy động, ông Võ Minh, Giám đốc NH Nhà nước – Chi nhánh Đà Nẵng cho hay, trước đây, vì tăng trưởng tín dụng khó khăn nên mặc dù NH Nhà nước quy định trần LS tiền gửi nhưng hầu hết các NH đều huy động dưới mức trần cho phép để hạn chế lượng vốn dư thừa.

Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế vĩ mô có dấu hiệu phục hồi, ổn định và phát triển kéo theo việc tăng trưởng tín dụng tại các NH thương mại rất khả quan.

Ông Minh cho biết thêm, khi đầu ra ổn định và có dấu hiệu khởi sắc, các NH đã làm động tác kỹ thuật là tăng LS huy động để giữ vốn. Tuy mỗi NH có một chiến lược khác nhau, tăng LS huy động ở các kỳ hạn khác nhau nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở những kỳ hạn dài để hút vốn trung, dài hạn. Còn các NH tăng ở kỳ hạn ngắn thì vẫn chưa đụng trần LS theo quy định của NH Nhà nước.

LS huy động USD chỉ còn 0,25%/năm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có thông cáo báo chí về việc giảm mức LS tiền gửi USD. Theo đó, từ ngày 28-9, LS áp dụng với tiền gửi USD của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm; mức LS tối đa áp dụng với tiền gửi USD của cá nhân là 0,25%/năm. Như vậy, LS huy động USD với tổ chức sẽ giảm từ mức trần 0,25%/năm về 0% và đối với cá nhân từ 0,75%/năm về 0,25%/năm.

Theo NHNN, việc giảm LS huy động USD là để ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động NH trong những tháng cuối năm 2015. Đồng thời, việc hạ LS được tính toán trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Anh Như

.