.

Dấu hỏi Đồng Nò - Bài 1: “Người lạ” xà xẻo đất Đồng Nò

.

Đồng Nò trước đây là tổ 32 phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, nay thuộc tổ 1A phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Vùng đất vốn bình yên lại có... “sóng” khi công tác đền bù, giải tỏa đi vào giai đoạn nước rút. Bởi hàng trăm lô đất ở do xã Hòa Xuân, huyện Hòa Vang cũ cấp chồng lên đất thổ cư, hàng chục giấy chứng nhận đất ở khác cũng cấp chồng lên đất ruộng lúa. Người có công cách mạng chưa được quan tâm về quyền lợi khi thực hiện giải tỏa đền bù và tái định cư....

Đất nông nghiệp ở Đồng Nò có hàng trăm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp chồng lấn. 						Ảnh: TRIỆU TÙNG
Đất nông nghiệp ở Đồng Nò có hàng trăm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp chồng lấn. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Dân gian gọi tên Đồng Nò, vì đây là một gò đất nằm bên sông Cổ Cò. Người dân xã Hòa Xuân trước đây thường đặt nò, thả lưới dưới sông và dựng chòi tạm ở đây để nghỉ ngơi hoặc chăn nuôi ít bò heo, giâm tỉa khoai đậu. Năm 1976, xã Hòa Xuân thực hiện giãn dân về Đồng Nò và xây dựng đơn vị hành chính thôn. Năm 2005, Đồng Nò trở thành tổ dân phố. Trước đó, năm 2003, Đồng Nò được quy hoạch thuộc dự án “Khu đô thị sinh thái, công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước”.

Tuy vậy, đến thời điểm này, Đồng Nò vẫn là một ngôi làng nhỏ, nằm lẻ loi ở doi đất ngã ba sông Hàn bởi tiến độ đền bù giải tỏa rất chậm chạp. Nhiều hộ dân Đồng Nò không bàn giao mặt bằng và nhận đất tái định cư. Ông Trần Thanh Tuấn, tổ trưởng tổ dân phố, cho biết nguyên nhân người dân không chịu bàn giao mặt bằng bởi có nhiều khuất tất trong việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).  

Ông Trần Thanh Tuấn dẫn chúng tôi ra xem vạt đất thổ với những vạt bắp cằn cỗi cùng lau cỏ um tùm. “Đây là đất nông nghiệp, dân Đồng Nò và Trung Lương được cấp sổ đỏ canh tác nông nghiệp. Vậy mà cũng đất này, hàng trăm sổ đỏ khác chồng lên sổ đỏ của người dân”, ông Tuấn ngậm ngùi nói. Hơn 20 năm làm trưởng thôn rồi tổ trưởng dân phố, ông Tuấn biết từng khoảnh đất, từng bờ cây... “Đây là đất ông Trần Phước Thắng 400m2, ông Trần Chi 350m2, ông Trần Lanh 400m2, bà Huỳnh Thị Kim Yến 300m2... Cả thảy trên 30 hộ dân bị xâm hại về quyền sử dụng đất. Đất thổ là vậy, còn đất ruộng lúa cũng xảy ra tình trạng cấp sổ đỏ chồng lên sổ đỏ như trường hợp ông Trần Bổng có 1.149m2 đất lúa vốn được cấp sổ đỏ số 528291, tờ bản đồ số 1 thửa 32, bỗng dưng có người khác lập sổ đỏ đất ở trên ruộng lúa của mình”, ông Tuấn thông tin.

Ông Tuấn cho biết, hiện Đồng Nò có 78 hộ dân với 326 nhân khẩu, trong đó có 66 hộ với 285 nhân khẩu thường trú, sinh sống lâu dài và 12 hộ với 41 nhân khẩu tạm trú. Đến Đồng Nò, chúng tôi đi bộ ít phút đã rảo khắp nơi với vài chục nóc nhà. Thế nhưng theo hồ sơ kiểm định đền bù tại Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 cho thấy “một sự thật mà không thật” bởi những con số không tưởng. Với 26 ha diện tích đất cần thu hồi giải tỏa để triển khai Dự án “Khu đô thị sinh thái, công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước” đã có đến 229 thửa đất ở? Ngoài ra, còn có 100 sổ đỏ chồng lấn lên đất nông nghiệp và đất ở của người dân Đồng Nò mà Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 chưa kiểm định đền bù, 35 sổ đỏ đất ở khác mà người có sổ đỏ “quên” có đất tại Đồng Nò nên xếp vào loại đất vắng chủ.

Ông Trần Thanh Tuấn, tổ trưởng tổ dân phố tại Đồng Nò cung cấp cho chúng tôi trên 30 sổ đỏ với gần hàng ngàn mét vuông đất của người dân nhờ ông theo dõi, giám sát việc chi trả đền bù giải tỏa. Đây là số sổ đỏ mà người dân bị chính quyền địa phương cấp chồng lên trên diện tích đất canh tác nông nghiệp của họ. Ông Đặng Bổng đã 70 tuổi cầm sổ đỏ số 528291 phân trần “Tôi đã năm lần bảy lượt lên Ban Quản lý giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 để nhận tiền đền bù nhưng đều bị từ chối vì sổ đỏ này có người khác cũng được cấp quyền sử dụng”. Để kiểm chứng thông tin, chúng tôi được ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Trưởng Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 xác nhận trường hợp ông Đặng Bổng là một trong hàng trăm giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị cấp chồng lặp lên cùng một diện tích.  “Nhiều chủ sổ đỏ là người ngoài địa phương, không có hộ khẩu ở Đồng Nò khi chúng tôi hỏi đất của anh (chị) ở đâu họ đều không biết, không rõ về tứ cận, hiện trạng đất ở. Do đó, chúng tôi báo cáo khẩn cấp lên lãnh đạo thành phố”. Cũng theo ông Nguyễn Đình Dũng, trong phần diện tích đất phải thu hồi là 26 ha, với tổng số hồ sơ phải kiểm định là 545 hồ sơ, bao gồm cả đất sản xuất nông nghiệp và đất ở. Hiện đã có 149 trường hợp bàn giao đất nông nghiệp và 61 hộ bàn giao đất ở cho Nhà nước. Những hồ sơ đảm bảo tính pháp lý Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1đã chi trả đền bù và giải quyết bố trí TĐC cho 164 trường hợp.

Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Trưởng ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 bức xúc: “Việc giao đất, cấp sổ đỏ suốt một thời gian dài ở Đồng Nò đã không có sự quản lý, kiểm tra. Tôi không quy chụp có hay không có việc trục lợi đối với chính sách đền bù giải tỏa, nhưng đây là gánh nặng cho ngân sách thành phố khi phải chi trả đền bù, bố trí đất tái định cư”. Còn ông Tuấn nói: “Dân Đồng Nò được đền bù thì ít nhưng người lạ - người không ở địa phương - bỗng dưng được đền bù thì nhiều”.

Qua tìm hiểu về công tác quản lý đất đai tại quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn nhận thấy công tác quản lý đất đai vô cùng “u u minh minh”. Tại Phòng Tài nguyên-Môi trường quận Cẩm Lệ, ông Đinh Thanh, Trưởng phòng nói đã bàn giao về quận Ngũ Hành Sơn và phường Hòa Quý. Tại phường Hòa Quý, ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch UBND phường cho biết không nhận được bàn giao bất kỳ hồ sơ quản lý hành chính, hồ sơ địa chính mà chỉ có duy nhất Biên bản bàn giao quản lý hành chính từ Sở Nội vụ và UBND quận Ngũ Hành Sơn.

Để làm rõ thực trạng sử dụng đất tại Đồng Nò, chúng tôi đã tiếp cận được hồ sơ gốc do UBND huyện Hòa Vang (tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ) lập ngày 24-7-1995, gồm sổ mục kê ruộng đất quyển số 1, gồm 192 trang và tờ bản đồ số 2 tỷ lệ 1/1000 được lập vào tháng 10-2002 thể hiện tại Đồng Nò có 45 hồ sơ nhà đất. Từ thời điểm đó đến nay, di biến động về dân số tại Đồng Nò tăng lên 78 hộ phù hợp với thực tế sử dụng đất đang lưu trữ.

Điều đáng quan tâm khi năm 2003, thành phố có chủ trương giải tỏa, đền bù và công bố quy hoạch tại Đồng Nò thì tại sao có hàng trăm “sổ đỏ lạ”, người dân “lạ” và vượt gần gấp đôi số hộ dân địa phương?! Cấp đất ở chồng đất ở, sổ đỏ chồng lên sổ đỏ đang đặt ra trách nhiệm về công tác quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng đất của UBND huyện Hòa Vang cũ và UBND quận Cẩm Lệ...

(Còn nữa)

Điều tra của TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.