Sau khi tham dự Hội nghị APEC, hôm nay (26-11), Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bắt đầu chuyến công du tới các nước Venezuela, Brazil và Cuba. Trong khi đó, hải quân Nga thông báo, các tàu chiến thuộc hạm đội Biển Bắc đang trên đường đến Venezuela hôm 25-11. Sự kiện này cho thấy, Nga đang nỗ lực tái hiện diện tại sân sau của Mỹ.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bắt đầu chuyến công du tới Venezuela vào hôm nay, 26-11. |
Trong cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo được cho là sẽ bàn đến chi tiết các bản hợp đồng về tàu ngầm và dựng lò phản ứng hạt nhân ở bang Zulia, kế hoạch mà Tổng thống Chavez vẫn khẳng định là vì các mục đích hòa bình. “Brazil có một số lò phản ứng hạt nhân. Argentina cũng vậy. Chúng tôi cũng sẽ có lò phản ứng của riêng mình”.
Tổng thống Chavez từ lâu đã tuyên bố sự cần thiết phải bảo vệ bản thân trước một cuộc xâm lược có thể của Mỹ, tiếp sau cuộc đảo chính năm 2002 - sự kiện mà Chavez cáo buộc Mỹ đứng đằng sau và đã buộc ông phải từ bỏ quyền lực trong thời gian ngắn. Hiện chưa rõ việc giá dầu tụt giảm sẽ ảnh hưởng như thế nào tới khả năng của cả Nga và Venezuela trong việc thực hiện các cam kết và các kế hoạch. Theo bà San Miguel, ngân sách quốc phòng của Venezuela chiếm 5,17% tổng ngân sách quốc gia năm 2008; trong năm 2009, con số này chỉ tăng lên mức 5,35% mặc dầu các kế hoạch cần đến hàng tỷ USD để mua trang thiết bị từ Nga.
Venezuela vốn đã là khách hàng mua vũ khí mới lớn nhất của Nga, với các hợp đồng trị giá 4,4 tỷ USD kể từ năm 2005. Danh sách các khoản được mua gồm 54 chiếc trực thăng, 24 máy bay chiến đấu Sukhoi và 5.000 súng trường Dragunov.
Ngoài chuyến thăm Venezuela lần này, Tổng thống Nga Medvedev còn tới thăm Brazil và Cuba. Sự kiện này được xem như một nỗ lực nhằm phục hồi các quan hệ quân sự và thương mại vốn đã nhạt nhòa sau khi Liên Xô sụp đổ. Theo truyền thông Nga, Moscow đã thông báo một khoản 335 triệu USD cho Cuba vay để mua các hàng hóa và dịch vụ của Nga. Trong năm 2007, thương mại giữa Nga và Cuba đạt 300 triệu USD. Moscow lập luận rằng, họ quan tâm tới Mỹ Latinh chủ yếu là về thương mại.
Thực tế, đòn bẩy cho chuyến công du của Tổng thống Medvedev tới Mỹ Latinh là Hội nghị APEC ở Peru cuối tuần trước. Tuy nhiên, theo Phó Hiệu trưởng Học viện Ngoại giao Moscow, Yevgeny Bazhanov, các lợi ích về chính trị là không thể phủ nhận được trong bối cảnh Nga đang kịch liệt lên án Mỹ về các kế hoạch lắp đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược ở Ba Lan và sự khuyến khích Ukraine và Gruzia gia nhập NATO. Ông Yevgeny Bazhanov nói: “Đây là một phản ứng thận trọng của chúng tôi về sự bá chủ của Mỹ trong khu vực của chúng tôi. Nếu Mỹ kiên quyết thực hiện những điều đó, họ phải biết trước là chúng tôi sẽ đáp trả”.
Các nước Mỹ Latinh từ lâu đã cảm thấy tác động từ sự ảnh hưởng của Mỹ, và vì vậy đa số trong khu vực nghiêng về Nga phản đối quan điểm thế giới đơn cực. Khi các quan hệ của Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu xấu đi, Nga bắt đầu tìm kiếm các đối tác mới. Theo các nhà phân tích, Nga đang tìm mọi cách mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực Nam Mỹ như hành động đáp lại việc Washington mở rộng ảnh hưởng tại khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga, như dự án lá chắn chống tên lửa mà Mỹ muốn đặt tại Cộng hòa Séc và Ba Lan, ủng hộ nền độc lập của Kosovo và bật đèn xanh cho một số quốc gia láng giềng của Nga gia nhập khối NATO.
ĐOÀN LƯƠNG (Tổng hợp)