.

Triển vọng kinh tế thế giới không mấy sáng sủa

.

Trong tuần qua, vấn đề khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục là tâm điểm của báo giới, trước khi Hội nghị G20 bắt đầu chính thức khai mạc vào tháng 4 tới. Những dự báo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại một lần nữa gây lo ngại cho các nhà lãnh đạo thế giới trước sự tụt dốc của nền kinh tế thế giới trong năm nay. Theo IMF, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục xấu đi trong năm 2009. Các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng âm trong cả năm 2009, với tỷ lệ -0,3%. Đây là lần đầu tiên định chế tài chính gồm 185 quốc gia thành viên này đưa ra con số dự báo như vậy, kể từ chiến tranh thế giới thứ hai.

Thị trường xuất khẩu đang bị co hẹp dần theo cơn khủng hoảng toàn cầu hiện nay.

IMF dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009 sẽ chỉ đạt 2,2%, như vậy đã giảm 0,8% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 10 của IMF. Cũng theo IMF, mức tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ là -0,7% trong năm 2009, giảm mạnh so với mức dự đoán tăng trưởng 0,1% cách đây 1 tháng. Theo IMF, sở dĩ có tình trạng trên là do phản ứng của các hộ gia đình đối với những tài sản tài chính và bất động sản đang mất giá, cũng như tình trạng tài chính eo hẹp hơn.
 
Trong khi đó, dự báo mới về tăng trưởng kinh tế tại khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung euro trong năm 2009 cũng là -0,5%, thay vì tăng trưởng ở mức 0,2% trước đó. Các quốc gia Đông Á, kể cả Trung Quốc, sẽ chỉ tăng trưởng 7,1%, giảm 0,6% so với ước tính trước đây. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bùng nổ tại khu vực này sẽ tiếp tục, dù có chậm lại.

Mới đây, văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cảnh báo, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tăng mạnh tới 1.800 tỷ USD trong năm tài khóa 2009 kết thúc ngày 30-9, cao hơn mức dự đoán của chính phủ 93 tỷ USD và cao gấp 4 lần mức thâm thủng của năm vừa qua. Trong bài diễn văn hằng tuần trên đài phát thanh, ông Obama nói rằng, ngân sách 3.600 tỷ USD mà ông đề nghị cho tài khóa 2009-2010 là một “bản vẽ kinh tế” cho tương lai của đất nước. Ông nói thêm rằng, ngân sách này sẽ giảm phân nửa mức thâm hụt vào cuối nhiệm kỳ đầu của ông.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngân sách khẳng định, ngân sách mà Tổng thống Obama đề nghị sẽ tạo ra 9.300 tỷ USD thâm hụt trong vòng 10 năm tới đây, cao hơn mức dự đoán của chính phủ đến 2.300 tỷ. Thủ phạm chính, theo CBO, là tình hình kinh tế suy thoái khiến tài chính rất ảm đạm.

Trong khi đó, tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, văn phòng Nội các Nhật Bản (CAO) đã công bố báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế nước này, trong đó đánh giá nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang xấu đi một cách nhanh chóng và đang trong tình trạng nghiêm trọng. CAO nhận định, lợi nhuận của các công ty “đang giảm rất đáng kể” so với đánh giá “đang giảm đáng kể” của tháng 2-2009. Báo cáo này cũng cho rằng, xuất khẩu và giá trị sản lượng công nghiệp của Nhật Bản đang giảm rất đáng kể, giải ngân các nguồn vốn đang giảm, tình hình việc làm đang xấu đi nhanh chóng, trong khi chi tiêu cho tiêu dùng của khu vực tư nhân đang giảm nhẹ. 

Kể từ cuối năm 2008, Nhật đã chính thức rơi vào thời kỳ suy thoái đầu tiên trong vòng 7 năm qua, do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã hạn chế nhu cầu xuất khẩu và đầu tư của nước này. Những nhà sản xuất ô-tô, điện tử và các công ty lớn khác đã cắt giảm hàng ngàn việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp của nước này lên cao. Đơn cử, đầu tư vào thiết bị của Toyota, công ty lớn nhất Nhật Bản, trong năm 2009 sẽ ở mức dưới 1.000 tỷ yên, giảm 30% so với năm 2008. Tình hình suy thoái kinh tế tại đất nước mặt trời mọc được cho là sẽ tồi tệ hơn nữa, khi cuộc suy thoái toàn cầu đánh mạnh hơn vào ngành xuất khẩu Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo điều tra của hãng tin Reuters, các nước châu Á chỉ có thể phục hồi với điều kiện nếu kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái cuối năm nay. Theo cuộc điều tra này, Singapore và Ðài Loan (Trung Quốc), hai thị trường xuất khẩu hàng đầu châu Á, sẽ đạt mức tăng trưởng GDP lần lượt là 3,9% và 3,4%, so với mức tăng trưởng năm 2009 dự kiến chỉ đạt 1,1% và 0,7%, do xuất khẩu và tiêu dùng nội địa giảm mạnh.

Dự báo, kinh tế Trung Quốc chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 7,8% năm 2009, thấp hơn mục tiêu đề ra là 8% và là mức tăng trưởng thấp nhất trong mười năm qua. Kinh tế Hàn Quốc, dự báo sẽ đạt mức tăng 4% năm 2010, so với mức 2,5% năm 2009. Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 3%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Dự báo Ấn Ðộ đạt 5,7% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2010, sau khi liên tục đạt tăng trưởng 8% trong năm năm qua.

Hiện tại thì châu Á đang trong tình trạng dễ bị tổn thương, bởi hầu hết các nền kinh tế khu vực đều lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng, trong khi thị trường xuất khẩu đang bị co hẹp dần theo cơn khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Xuất khẩu giảm là sự phản ánh triển vọng không mấy sáng sủa của các nền kinh tế châu Á trong năm 2009, đặc biệt đối với các quốc gia lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu để tăng trưởng.
 
Trong bối cảnh đó, những “con hổ” châu Á cũng đang lâm vào khốn đốn. Kim ngạch xuất khẩu của các nước “con hổ” sụt giảm không chỉ ở thị trường Mỹ mà còn ở thị trường châu Âu, và ngay chính ở thị trường châu Á. Rõ ràng, suy thoái kinh tế toàn cầu đẩy nhu cầu hàng hóa của thế giới sụt giảm, đặt các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu ở châu Á vào thế điêu đứng.  
                                
BĂNG CHÂU

;
.
.
.
.
.