.

Mỹ kỷ niệm 40 năm ngày đặt chân lên mặt trăng

.

Hôm 20-7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khởi động một loạt sự kiện đánh dấu 40 năm ngày con người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng bằng cuộc gặp với các thành viên phi hành đoàn Apollo 11 tại Nhà Trắng. Phi hành đoàn này là những người đầu tiên hoàn thành giấc mơ thời đại và bước trên bề mặt của mặt trăng, một nỗ lực được ghi nhớ tại thời điểm mà tương lai thống trị không gian của Mỹ đang ngày càng khó trở nên chắc chắn.

Phi hành đoàn Apollo chuẩn bị tham gia một cuộc thảo luận tại Viện bảo tàng quốc gia ở Ohio.

“Đó là một bước nhỏ đối với một người đàn ông nhưng là bước nhảy lớn với nhân loại”, phi hành gia Neil Armstrong nói khi bước chân từ phi thuyền xuống vùng Sea of Tranquility của mặt trăng vào ngày 20-7-1969. Sự kiện này ước tính đã thu hút sự chú ý của khoảng 500 triệu người trên trái đất, vốn theo dõi qua đài phát thanh và truyền hình.

Ngoài cuộc gặp ở Nhà Trắng, một loạt sự kiện khác cũng đã được lên kế hoạch, gồm một cuộc họp báo diễn ra hôm 20-7 tại Washington với các phi hành gia trong chương trình Apollo. Ngoài ra, các chương trình về di sản Apollo và tương lai khám phá không gian cũng được phát trên toàn nước Mỹ. Các hoạt động chào mừng cũng được tiến hành tại trung tâm vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, địa điểm mà chuyến bay Apollo 11 khởi hành và ở trung tâm vũ trụ Johnson tại Houston, Texas cũng như tại bảo tàng không gian quốc gia Washington.

Tàu Apollo 11 đưa thành công 3 nhà du hành vũ trụ Mỹ lên mặt trăng. Nhưng ít ai biết rằng, không phải chuyến bay này đã thuận buồm xuôi gió trong suốt cuộc hành trình đưa người đặt chân lên Mặt Trăng và quay về Trái Đất. Trước khi cất cánh 4 giờ đồng hồ, khi 3 nhà du hành đang dùng bữa cơm cuối cùng trước khi bay thì trên bệ phóng, tên lửa đẩy Sao Thổ 5 đang bị rò nhiên liệu, nhân viên kỹ thuật phải vội vàng khắc phục sự cố.

Trong vòng 48 giờ sau khi cất cánh, con tàu vẫn an toàn, không hề xảy ra bất kỳ sự cố ngoài ý muốn nào. Nhưng đến ngày thứ 3, một hiện tượng kỳ lạ đã xuất hiện. Aldrin và Collin cho rằng, họ nhìn thấy ở khoảng cách trên 6.000 dặm từ phía ngoài con tàu, một vật thể bay không rõ ràng (thường được gọi là UFO) luôn bay theo con tàu, nhưng nó không hề giống như khoang tên lửa đã tách rời của con tàu. Aldrin cho biết:

“Điều này thật sự làm cho con người cảm thấy bất an. Một vật thể bay phía ngoài con tàu, nó gần đến nỗi có thể quan sát được, Collin có thể quan sát vật thể đó bằng ống nhòm, nó có hình chữ L”. Aldrin báo cáo tình hình này với Trung tâm điều khiển, các nhà du hành được cho biết rằng, đó là các hạt nặng tốc độ cao, chúng có thể xuyên qua con tàu, thậm chí xuyên qua cả cơ thể. Tàu Apollo 11 tiếp tục bay trong sự bắn phá của các hạt nặng này. Điều kỳ lạ là sau khi họ thức dậy, vật thể lạ theo sau con tàu đã biến mất.

Vào thời điểm then chốt khi con tàu đáp xuống mặt trăng, máy tính trên phi thuyền đột ngột không hoạt động và không ngừng hiển thị những mật mã sai. Hóa ra, tin tức của ra-đa tiếp đất đã quá tải so với máy tính của phi thuyền, quá nhiều thông tin nhập vào máy tính. May thay, họ đã giải quyết được vấn đề này.

Tàu Apollo 11 đưa các nhà du hành vũ trụ Mỹ lên mặt trăng.

 

Trong khi cả thế giới đang xem cuộc đổ bộ của các nhà du hành vũ trụ xuống bề mặt Mặt Trăng qua ti-vi thì... trục trặc: Cửa khoang đổ bộ bị kẹt. Cả hai nhà du hành rơi vào một khoảng lặng khủng hoảng. Aldrin thử cố mở cửa một lần nữa trong lúc đã gần như tuyệt vọng thì thật kỳ diệu, cánh cửa được mở ra. Armstrong đặt bước chân lịch sử lên mặt trăng.

Sau 2 giờ đồng hồ thực hiện việc đi bộ trên mặt trăng, các nhà du hành đã phát hiện ra một đồ vật lẫn trong bụi trên mặt trăng - một đầu của công tắc biên đã bị đứt gãy. Hóa ra, trong khoang đổ bộ chật hẹp, bộ đồ phi hành gia đã cứa đứt một công tắc điện quan trọng của cực khởi động của động cơ. Không có công tắc, họ sẽ phải vĩnh viễn yên nghỉ trên mặt trăng. Tuy nhiên, Aldrin đã tìm được một chiếc bút bi trong khoang đổ bộ và thành công trong việc nối đường điện bằng chính chiếc bút đó. Khoang đổ bộ đã có thể rời khỏi mặt trăng. Cho đến nay, Aldrin vẫn còn cất giữ cẩn thận chiếc bút đã từng cứu mạng anh và đồng đội.

Cuộc đổ bộ mặt trăng đã thúc đẩy tinh thần cho người dân, đánh dấu sự tự tin mới và những thách thức về ý niệm khoa học và tôn giáo. Hiện, Cơ quan vũ trụ của Mỹ NASA dự định đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng vào năm 2020 nhằm thiết lập một căn cứ có người trên mặt trăng để khám phá sao Hỏa, song dự án này vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn.
 
BĂNG CHÂU (Tổng hợp)

;
.
.
.
.
.