.
Tranh luận ở Malaysia:

Tiếng Anh hay tiếng bản ngữ?

.

Thầy giáo P.S. Han đã dùng tiếng Anh để dạy toán và vật lý cho các học sinh trung học ở Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, trong 6 năm qua. Nhưng từ năm 2012, ông buộc phải quay lại sử dụng ngôn ngữ bản địa, tiếng Bahasa Malaysia, để dạy học theo một quyết định mới của Chính phủ bãi bỏ việc sử dụng tiếng Anh để dạy toán và khoa học trong trường phổ thông. Quyết định này đang gây tranh luận sôi nổi trong xã hội, nhiều người cho rằng nó có động cơ chính trị hơn là giáo dục.

Nữ sinh một trường trung học ở Putrajaya, Malaysia.

Thầy giáo Han nói rằng, “Tiếng Anh đã được dùng làm ngôn ngữ của khoa học hơn 300 năm rồi. Không thể truyền đạt kiến thức khoa học ở cấp độ cao cho học sinh bằng tiếng Bahasa Malaysia. Chúng ta phải đối mặt với thực tế rằng kiến thức khoa học nằm ở tiếng Anh”.

Quyết định của Chính phủ Malaysia được ban hành hôm thứ tư, sau nhiều tháng vận động của các chính trị gia người gốc Malay theo chủ nghĩa dân tộc. Nó làm dấy lên mối quan ngại rằng, trình độ tiếng Anh của thanh niên Malaysia sẽ suy giảm, sức cạnh tranh của Malaysia như một điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư và du lịch sẽ bị thương tổn.

Về mặt lịch sử, sau khi giành được độc lập từ tay thực dân Anh năm 1957, Malaysia đã có thời gian dài dùng tiếng Bahasa Malaysia – tiếng nói của dân tộc Malay, dân tộc chiếm đa số – làm ngôn ngữ chính thức của quốc gia, hạ thấp vai trò của tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Tamil của người gốc Ấn Độ. Chính sách này ngược với Singapore thời ông Lý Quang Diệu làm Thủ tướng: sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong trường học. Kết quả là sau vài chục năm, kinh tế Singapore vượt trội so với Malaysia, và đảo quốc Sư tử trở thành trung tâm kinh tế tài chính quan trọng của khu vực.

Vào năm cầm quyền cuối cùng, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã cố gắng thay đổi tình trạng này: ông quyết định, từ năm 2003, tiếng Anh được dùng để giảng dạy và học tập các môn toán và khoa học ngay từ bậc tiểu học. Kỳ vọng của ông Mahathir Mohamad là nâng cao kiến thức và kỹ năng tiếng Anh của thanh niên Malaysia, giúp họ có cơ hội tốt hơn trên thị trường lao động, nhất là tìm việc làm ở các tập đoàn đa quốc gia.

Hiện đã về hưu nhưng vẫn quan tâm tới tình hình đất nước, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đã không giấu được nỗi phiền muộn trước quyết định của Chính phủ đương nhiệm, thực chất là đảo ngược quyết định của ông hồi 6 năm về trước. Hãng thông tấn Bernama dẫn lời của ông Mahathir Mohamad cho biết, quyết định này sẽ tác động tiêu cực đến học sinh và làm cho thanh-thiếu niên khó khăn hơn trong việc tiếp cận sự phát triển của khoa học.

Chính quyền Malaysia biện minh rằng, quyết định của họ căn cứ vào tình trạng những năm gần đây, điểm toán và khoa học của học sinh suy giảm nghiêm trọng, nhất là học sinh ở nông thôn. Về điểm này, giáo sư Khoo Kay Kim, giáo sư công huân khoa lịch sử Đại học Malaysia cho rằng, nguyên nhân là do giáo viên chưa được huấn luyện chu đáo để dạy học bằng tiếng Anh chứ không phải do sai lầm về chính sách. Ông nói rằng, trình độ tiếng Anh ở Malaysia “thật thảm hại”.

“Giờ đây ngày càng ít giáo viên nói và viết được bằng tiếng Anh. Chúng ta từng là nước dẫn đầu châu Á về tiếng Anh nhưng giờ đây chúng ta đã tự cho phép mình tụt lại sau nhiều quốc gia châu Á khác”, ông nói. Ông Khoo cũng chua chát nhận định rằng, “một nỗi nhục quốc thể” khi trường đại học lâu đời nhất của đất nước, Đại học Malaysia, đã tụt hậu sau các trường đại học châu Á khác trên bảng xếp hạng quốc tế - một hậu quả của tình trạng xuống cấp về trình độ Anh ngữ.

Ông cũng nêu lên mối quan tâm rằng, trình độ Anh ngữ yếu kém có thể ảnh hưởng tới tính cạnh tranh quốc tế của Malaysia, bởi vì những công ty đa quốc gia hoạt động ở đây gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp đại học thông thạo tiếng Anh. “Nếu như ngày càng ít người Malaysia nói được tiếng Anh, thì các công ty đa quốc gia đến đất nước này để làm gì? Nếu chúng ta không có một lực lượng lao động phù hợp với nhu cầu của các công ty đa quốc gia, thì làm sao chúng ta có thể thu hút họ tới đầu tư và kinh doanh?”, ông Khoo nói.

Cộng đồng doanh nghiệp Malaysia từ lâu đã tỏ ý lo ngại về sự suy giảm trình độ tiếng Anh của sinh viên, học sinh nước này. Ông Michael Yeoh, Giám đốc điều hành Viện Chiến lược và Lãnh đạo châu Á – một cơ quan nghiên cứu độc lập – nhận xét: “Cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy rõ rằng tiếng Anh là điều kiện bắt buộc để nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của Malaysia”. Theo ông Yeoh, Chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để nâng cao trình độ tiếng Anh của thanh niên chứ không phải hạn chế nó. Tuy vậy, ông không cho rằng dùng tiếng Anh để dạy toán và khoa học là phương pháp tốt nhất.

Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc tế của Malaysia hoan nghênh quyết định của Chính phủ về tăng cường số lượng giáo viên tiếng Anh và tăng số tiết học tiếng Anh trong chương trình giáo dục. Giám đốc điều hành của Phòng, ông Stewart Forbes, nói rằng nhu cầu đề cao tiếng Anh phải tiếp tục là một phần trong chính sách của Chính phủ. Các doanh nghiệp tư nhân ở Malaysia vẫn tiếp tục than phiền về trình độ của sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực giao tiếp nói chung, giao tiếp bằng tiếng Anh nói riêng; và nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao trình độ tiếng Anh của sinh viên là rất đáng hoan nghênh.

Ngoài dân tộc Malay chiếm đa số, Malaysia còn có hai tộc người thiểu số lớn nhất là người Trung Hoa và người Ấn Độ. Theo báo chí địa phương, nhiều giáo viên của hai tộc người này hoan nghênh việc Chính phủ cho phép sử dụng tiếng Hoa và tiếng Tamil để dạy toán và khoa học trong những trường học riêng của họ.

Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh và Liên đoàn Giáo chức quốc gia lại tỏ ý băn khoăn về quyết định bãi bỏ việc dùng tiếng Anh. Bà Shazlin Aidani, mẹ của ba học sinh, nói bà muốn con bà được tiếp tục học toán và khoa học bằng tiếng Anh. “Sau này khi chúng ra trường và đi làm việc, mọi thứ sẽ bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Bahasa”, bà Aidani nói.

Huỳnh Hoa (Theo New York Times)

 

;
.
.
.
.
.