.

Mỹ và Ấn Độ đồng ý hiệp ước quân sự

.
(ĐNĐT) - Mỹ và Ấn Độ hôm qua (20-7) đã đồng ý ký kết một hiệp ước quân sự, mở một bước tiến quan trọng tạo điều kiện cho việc buôn bán vũ khí tối tân của Mỹ vào quốc gia Nam Á đang tiến hành hiện đại hóa quân đội của mình.

 
Bà Clinton đã thu được những kết quả tốt đẹp sau chuyến công du Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton cho biết Delhi cũng đã thông qua 2 địa điểm để các công ty của Mỹ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Các tuyên bố này đã giúp bà Clinton hoàn tất sứ mệnh của mình khi kết thúc chuyến công du Ấn Độ nhằm thắt chặt các mối quan hệ và thể hiện sự cam kết của Tổng thống Barack Obama đối với sự hiện diện và nổi lên của Ấn Độ trên trường quốc tế.
 
"Chúng ta không chỉ nỗ lực để duy trì mối quan hệ của chúng ta, mà còn mở rộng và thắt chặt nó hơn", bà Clinton phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.M. Krishna.

Bà Clinton cho biết Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã chấp nhận lời mời thăm chính thức Washington vào ngày 24-11 tới, và sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo nước ngoài dưới thời ông Obama.

Một yếu tố chủ chốt trong chuyến đi của bà Clinton là tuyên bố 2 bên đã đạt được hiệp ước "giám sát sử dụng đến tận cùng", tạo nền tảng cho sự hợp tác quân sự rộng hơn trong tương lai. Theo quy định của bộ luật Mỹ đối với việc buôn bán các vũ khí tinh vi, hiệp ước này sẽ cho phép Washington kiểm tra việc Ấn Độ sử dụng bất kỳ vũ khí nào theo mục đích đặt ra và ngăn chặn rò rỉ công nghệ sang các nước khác.

Ấn Độ dự kiến sẽ chi hơn 30 tỷ USD trong 5 năm tới để nâng cấp kho vũ khí, trong đó sẽ có 1 hợp đồng mua máy bay chiến đấu đa dụng trị giá khoảng 10 tỷ USD. Đây có thể sẽ là một mối lợi cho các công ty của Mỹ như Lockheed Martin Corp và Boeing Co. Hai công ty này đang cạnh tranh với các hãng nước ngoài khác như MiG-35 của Nga, Dassault Rafale của Pháp, Saab JAS-39 Gripen của Thụy Điển...

Các quan chức Mỹ dự tính hai nhà máy điện hạt nhân sẽ mang về tới 10 tỷ USD cho các công ty xây dựng lò phản ứng hạt nhân Mỹ như General Electric Co. và Westinghouse Electric Co, một chi nhánh của Tập đoàn Toshiba của Nhật Bản.

N.L (Theo Reuters)
;
.
.
.
.
.