.
Thế giới tuần qua

Bangkok đối mặt “thủy triều đỏ”

.

Chính phủ Thái Lan lại phải đối mặt với cuộc biểu tình quy mô lớn, đẩy chính trường quốc gia châu Á này một lần nữa rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng kể từ cuộc đảo chính năm 2006 đến nay. Thủ đô Bangkok hôm qua (14-3), tràn ngập sắc đỏ của cuộc “biểu tình 1 triệu người” nhằm gây sức ép buộc chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva phải giải tán Hạ viện và tiến hành bầu cử trước thời hạn.

Thủ đô Bangkok tràn ngập những người biểu tình áo đỏ. Ảnh: AFP 

Hầu hết trang nhất của các báo tại Thái Lan ngày 14-3 đều đưa tít đề cảnh báo về việc “thủy triều đỏ” đổ về Bangkok. Theo Reuters, số người tham gia biểu tình chưa lên đến 1 triệu người nhưng có hơn 80.000 người đã đổ về Bangkok bằng đủ phương tiện: xe tải, xe buýt, ô-tô, mô-tô, tàu…, đồng thời mang theo quốc kỳ, kèn và hình ảnh của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Nhiều tuyến đường chính gần các cơ quan chính phủ bị những người biểu tình phong tỏa bằng xe tải, mô-tô hoặc bị cảnh sát lập hàng rào ngăn chặn. Đến 12 giờ ngày 14-3, phe “Áo đỏ” do Mặt trận dân chủ chống độc tài (UDD) lãnh đạo đã chính thức ra tối hậu thư yêu cầu giải tán Hạ viện nước này trong vòng 24 giờ, nếu không sẽ đối mặt với nhiều cuộc biểu tình rầm rộ tại các địa điểm quan trọng ở Bangkok. “Nếu yêu sách của chúng tôi không được đáp ứng thì sẽ có biểu tình khắp Bangkok vào ngày 15-3”, Reuters dẫn lời của Nattawut Saikua - lãnh đạo những người biểu tình - tuyên bố.

Theo Reuters, các nhà phân tích cho rằng cuộc “biểu tình 1 triệu người” và tối hậu thư trên không làm lung lay được chính phủ của Thủ tướng Vejjajiva bởi ông có sự hậu thuẫn rất lớn của quân đội. Phát biểu trên kênh truyền hình, ông Vejjajiva vẫn nhấn mạnh không có kế hoạch giải tán Hạ viện, đồng thời bác bỏ tin đồn có thể xảy ra đảo chính quân sự hay ban bố tình trạng khẩn cấp. 50.000 cảnh sát, binh sĩ quân đội và lực lượng an ninh khác rải khắp Bangkok. Về phía các lãnh đạo phe “Áo đỏ”, họ khẳng định các cuộc biểu tình vẫn diễn ra trong hòa bình. Song, các nhà đầu tư lo lắng rằng nếu có tình trạng bạo lực sẽ phá hủy công cuộc phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai của Đông Nam Á này.

Cũng theo các nhà phân tích, đợt biểu tình lần này là cơ hội cuối cùng để ông Thaksin - hiện sống lưu vong ở Dubai - trở về nước. Chính trường Thái Lan rơi vào khủng hoảng sâu sắc kể từ sau cuộc đảo chính lật đổ Thaksin năm 2006. Những người ủng hộ Thaksin (phe “Áo đỏ” - bao gồm phần đông nông dân và dân nghèo) vốn được hưởng lợi từ các chính sách kinh tế - xã hội mà ông chủ trương nên mong muốn vị cựu Thủ tướng này trở lại nắm quyền.

Còn chính phủ hiện tại của đảng Dân chủ được sự hậu thuẫn của tầng lớp thị dân trung lưu, thương nhân... Khi tham gia biểu tình, họ mặc áo vàng để biểu thị lòng trung thành với nhà vua. Năm 2008, phe “Áo vàng” đã bao vây hai sân bay của Bangkok nhằm yêu cầu chính phủ thân Thaksin từ chức khiến giao thông đường hàng không tê liệt. Lần này, những người biểu tình nói rằng Thủ tướng Vejjajiva đã lên nắm quyền phi pháp…

AP cho biết, Jatuporn Prompan - một lãnh đạo phe biểu tình - mô tả sự kiện ngày 14-3 là “cuộc chiến tranh lớn nhất của người dân thường trong lịch sử đất nước”. Prompan cũng bày tỏ hy vọng có đến 1 triệu người tham gia biểu tình. Song, tướng Wichai Sangprapai - tư lệnh cảnh sát tại khu vực biểu tình chính - ước tính con số này đạt đến 150.000 người.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.