.
Kyrgyzstan

Khủng hoảng nhân đạo gia tăng

.

Số phận của hàng chục ngàn người tị nạn ở Kyrgyzstan làm dấy lên quan ngại về tình trạng khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Trung Á này.

Những người dân thuộc tộc Uzbek ở Osh, miền Nam Kyrgyzstan, trên đường chạy đến Uzbekistan. (Ảnh: AP)  

AFP ước tính 100.000 người đã có mặt bên trong đất nước Uzbekistan sau khi rời bỏ thành phố Jalalabad và Osh của Kyrgyzstan. Các nhà chức trách đang xem xét đóng cửa biên giới của quốc gia Trung Á này, trái hẳn với cam kết của các nhóm cứu trợ. Đại sứ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) kêu gọi thực thi luật pháp của Kyrgyzstan trong khi Nga cảnh báo tình trạng hiện tại sẽ dẫn đến nguy cơ mất khả năng kiểm soát.

Theo AFP, thỉnh thoảng có tiếng súng nổ trong đêm 14-6 và căng thẳng vẫn gia tăng tại thành phố Osh vào ngày 15-6. Số người chết trong các cuộc xung đột đã lên đến 171 người và gần 1.800 người khác bị thương. Song, các nhà quan sát cho rằng, con số thực tế còn cao hơn thế. Những chuyến tàu nhân đạo đầu tiên của các tổ chức quốc tế đã đến thành phố Osh vào sáng 15-6. Lynn Pascoe, trợ lý của Tổng Thư ký LHQ, cho rằng Kyrgyzstan phải thiết lập một hành lang nhân đạo để trợ giúp những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc xung đột sắc tộc giữa người Kyrgyz và Uzbek.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời Giám đốc An ninh quốc gia Kyrgyzstan Keneshbek Duishebayev cho hay, Maxim đã bị Cơ quan Biên giới Anh bắt giữ vào ngày 14-6 sau khi xuống sân bay Farnborough tại Hampshire (miền Nam nước Anh) với cáo buộc tổ chức một ‘hoạt động bí mật”. Duishebayev nói rằng, Maxim muốn tìm kiếm nơi ẩn náu ở Anh và đã đến nước này bằng một chuyên cơ riêng. Maxim đang bị Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan điều tra vì khả năng tham nhũng liên quan đến các hợp đồng cung cấp nhiên liệu cho căn cứ quân sự của Mỹ.

Tại khu vực biên giới, nơi có hàng ngàn người bị mắc kẹt lại mà không có nước sạch và các thiết bị y tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế dự kiến sẽ chuyển đến 40 tấn thiết bị y tế, chăn màn và vải bạt. Các máy bay chở lương thực từ thành phố Amman của Jordan và Kabul của Afghanistan cũng được hy vọng hôm nay (16-6) sẽ đến nơi đây. Trong lúc này, LHQ thúc giục Kyrgyzstan không để xung đột sắc tộc đẫm máu diễn ra làm “trật bánh” cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp và bầu cử Quốc hội sắp tới. Theo đại diện của LHQ Miroslav Jenca, cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới vào ngày 27-6 tới và đặc biệt là bầu cử Quốc hội vào tháng 10 sẽ phải diễn ra, bất chấp bạo lực.

Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan lên nắm quyền sau khi lật đổ Tổng thống Kurmanbek Bakiyev hồi tháng 4-2010 hiện không thể kiểm soát được tình trạng bạo lực và cáo buộc gia đình ông Bakiyev xúi giục phá hỏng cuộc trưng cầu dân ý và bầu cử. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Bishkek vào hôm qua, Phó Thủ tướng lâm thời Almazbek Atambayev đã khẳng định mạnh mẽ cáo buộc này. Ông Atambayev nói rằng, các hoạt động vốn được lên kế hoạch cẩn thận do “kẻ thù của Chính phủ lâm thời” thực hiện nhằm lật đổ Chính phủ mới và phá hoại trưng cầu dân ý. Cũng theo ông, các cơ quan đặc biệt đã xác nhận những biện pháp gây bạo loạn ở Kyrgyzstan do gia đình ông Bakiyev tài trợ, đặc biệt là con trai út của ông này - Maxim Bakiyev. Thực tế, hầu hết người Uzbek ủng hộ Chính phủ lâm thời, trong khi nhiều người Kyrgyz ở miền Nam ủng hộ ông Bakiyev. 

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.