.

Scandal gián điệp tổn hại quan hệ Nga - Mỹ?

.

Các nhà phân tích cho rằng, cả Mỹ lẫn Nga đều đang cố gắng tránh những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao xung quanh vụ bắt giữ các nghi can gián điệp.

Anna Chapman, nghi can gián điệp xinh đẹp của Nga. Ảnh: AP 

Thủ tướng Nga Vladimir Putin bày tỏ hy vọng việc Mỹ bắt giữ 11 nghi can gián điệp vừa qua sẽ không làm tổn hại đến mối quan hệ Nga - Mỹ. Bộ Ngoại giao Nga cho hay, một số nghi phạm là công dân Nga, nhưng họ không làm gì nguy hại đến Mỹ. Cơ quan này cũng khẳng định các cáo buộc của Mỹ không có cơ sở và là kịch bản như trong thời Chiến tranh Lạnh.

Đài NTV xác định 2 trong số 11 bị cáo là người Nga và phát sóng hình ảnh của họ từ một trang web mạng lưới xã hội. Theo NTV, Mikhail Semenko đã đến Mỹ vào năm 2008 và Anna Chapman cũng đến Mỹ vào tháng 2-2008. Theo Thời báo Matxcơva, Chapman là một nữ doanh nhân thành công, người đã sáng lập một công ty bất động sản trên mạng trị giá 2 triệu USD trong lúc còn là sinh viên của Đại học Hữu nghị nhân dân ở Matxcơva.
 
Tốt nghiệp ngành Tài chính của đại học này, Chapman làm việc ở London (Anh) và sau đó đến Mỹ mở một công ty bất động sản khác. Nghi phạm 28 tuổi này đã đến trình diện cảnh sát New York theo yêu cầu của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) với một hộ chiếu giả. Luật sư của Chapman, ông Robert Baum, nói rằng thân chủ của mình quyết định đến trình diện cảnh sát New York để chứng minh vô tội. Chapman bị cáo buộc có liên hệ với một quan chức Chính phủ Nga chưa xác định danh tính mỗi tuần một lần. FBI đã theo dõi Chapman từ tháng 1 đến tháng 6-2010 khi cô thực hiện các cuộc giao tiếp tinh vi với người quản lý của mình.

Nghi phạm thứ 11 Christopher Robert Metsos đã bị bắt tại sân bay Larnaca của đảo Cyprus vào ngày 29-6 khi đang chuẩn bị lên máy bay đến Budapest (Hungary). Metsos vốn bị tình nghi là nhân viên tài chính của nhóm gián điệp nằm vùng đã được tại ngoại điều tra sau khi đóng 20.000 euro và bị cấm rời khỏi đảo trong khi chờ đợi Cyprus làm các thủ tục cần thiết. Metsos có thể bị dẫn độ về Mỹ.

Theo AP, phản ứng đầu tiên của Bộ Ngoại giao Nga đối với vụ scandal gián điệp này là ít thân thiện. Một số nghị sĩ cấp cao của Nga còn nói rằng, Chính phủ Mỹ đang nỗ lực làm giảm mối quan hệ nồng ấm giữa Tổng thống Barack Obama với Matxcơva. Báo New York Times cho hay, Tổng thống Obama tỏ vẻ không vui về vụ bắt giữ các nghi can gián điệp, nhưng các nhà điều tra tỏ ra lo ngại một số nghi phạm có thể được phóng thích. Song, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs khẳng định vụ bắt giữ các gián điệp không ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Nga.

Các chuyên gia tình báo cho rằng, 11 nghi phạm bị bắt có thể là một phần trong kế hoạch lâu dài của Nga nhằm tạo quan hệ với những người có thể nắm thông tin trọng yếu, không chỉ về vũ khí hay những kế hoạch chiến lược của Mỹ, mà còn về vấn đề tài chính, kinh doanh và công nghệ.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.