.

Indonesia quay cuồng với thảm họa kép

.

Sóng thần và núi lửa phun trào - 2 thảm họa xảy ra liên tiếp - đã khiến 302 người thiệt mạng và 412 người mất tích. Ngày 27-10, đội cứu hộ nỗ lực tìm kiếm các thi thể nạn nhân và những người sống sót sau khi trận động đất mạnh 7,7 độ richter vào đêm 25-10 gây ra sóng thần ở đảo Tây Sumatra làm ít nhất 272 người chết, 412 người mất tích cùng hàng ngàn người bị mất nhà cửa.

Mô tả ảnh.
Dân làng cầu nguyện cho một nạn nhân thiệt mạng ở làng Umbulhardjo khi núi lửa Merapi phun trào. (Ảnh: Reuters)

Gần 24 giờ sau, trên đảo Java, cách Sumatra vài trăm ki-lô-mét về phía Đông, núi lửa Merapi phun trào khiến 30 người thiệt mạng và khoảng 15 người khác bị thương.  Toàn bộ các làng ở Tây Sumatra đã bị cuốn trôi và những ngôi nhà bị san phẳng. Theo các nhà chức trách, những cột sóng thần cao 3m đã quét sâu vào đất liền khoảng 600m trên đảo Nam Pagai thuộc quần đảo Mentawai và san phẳng 10 ngôi làng. Thi thể của hàng chục ngư dân được tìm thấy vào sáng 27-10 khi nổi lên mặt nước hoặc trôi dạt vào bờ biển.

Nỗ lực cứu hộ gặp nhiều khó khăn do liên lạc trên các đảo bị gián đoạn. Thời tiết xấu khiến các tàu cứu trợ từ Padang không thể đến được các đảo Mentawai, cảng chính gần nhất trên Sumatra. Riêng Cơ quan Ngoại giao Australia xác nhận 9 công dân nước này trên chiếc tàu du lịch trong khu vực động đất đã liên lạc được với người thân vào đêm 26-10 và hiện họ vẫn an toàn. Trong thảm họa thứ hai, Aris Triyono thuộc cơ quan cứu hộ và tìm kiếm quốc gia nói rằng, đội của ông đang dọn dẹp khu vực sườn núi phía Nam để tìm các nạn nhân và những người sống sót.

Không những thế, sáng 27-10, thêm 5 trận động đất nhẹ có cường độ từ 5,1 - 5,5 độ richter đã diễn ra ở Tây Sumatra nhưng không có cảnh báo sóng thần. Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono có mặt ở Hà Nội để tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN hôm qua phải trở về nước. Tổng thống Mỹ Barack Obama, người đã sống tại Indonesia trong thời niên thiếu, cũng dự kiến đến đất nước châu Á này vào tháng tới. Ông Obama chia buồn với những mất mát và thiệt hại của Indonesia, đồng thời cam kết Washington sẽ hỗ trợ Chính phủ Jakarta trong việc khắc phục thảm họa.

AFP cho biết, hơn 11.000 người sống gần núi lửa Merapi. Trước đó, chính quyền địa phương đã cảnh báo hoạt động của núi lửa này và yêu cầu người dân đi sơ tán. Hàng ngàn người đã di chuyển đến những nơi trú ẩn khẩn cấp. Song, đến sáng 27-10, nhiều người lại trở về và nói rằng họ phải trông coi vụ mùa và bảo vệ nhà của mình.

Các nhà chức trách cũng giám sát chặt chẽ hoạt động của núi lửa nổi tiếng Merapi nhưng tro bụi và khí nóng làm số người chết tăng lên quá nhanh. Các thi thể được đưa đến bệnh viện chính ở thành phố Yogyakarta và thêm hàng chục người mắc các vấn đề về hô hấp, bị bỏng hoặc các vết thương khác.

Núi lửa Merapi đã phun trào nhiều lần trong vòng 200 năm qua và thường gây chết người. Năm 1994, có 60 người thiệt mạng khi núi lửa Merapi hoạt động. Năm 1930, số người chết là 1.300 người với hàng chục làng bị xóa sổ. Nhiều vùng của Indonesia nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương nên thường hứng chịu những thảm họa tự nhiên. Sóng thần trên khắp Ấn Độ Dương do trận động đất mạnh 9,1 độ richer ở ngoài khơi đảo Sumatra vào tháng 12-2004 cũng đã cướp đi sinh mạng hơn 230.000 người, trong đó có 168.000 người Indonesia.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.