.

Trực thăng đổ nước làm mát nhà máy điện hạt nhân

.
 
(ĐNĐT) - Nữ phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Kazumi Toyama cho biết, lúc 9 giờ 48 phút giờ địa phương sáng 17-3, các máy bay trực thăng quân sự Nhật CH-47 đã bắt đầu thả nước xuống lò phản ứng số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi với một nỗ lực ngăn chặn sự nóng chảy.
 
.
Video clip trực thăng quân sự đổ nước xuống nhà máy hạt nhân. (Nguồn: CNN)
 
Ngoài ra, Điện lực Tokyo cho biết đang hoàn tất đường tải điện mới vốn có thể làm cho hệ thống làm mát hoạt động trở lại cũng với nỗ lực làm giảm cuộc khủng hoảng.

Theo bà Toyama, việc đổ nước nhằm mục đích vừa giúp làm mát lò phản ứng, đồng thời đưa nước vào bể chứa các thanh nhiên liệu. Trước đó, Điện lực Tokyo cho biết bể chứa đã gần như cạn kiệt, có thể làm các thanh nhiên liệu trở nên quá nóng.

Ngày 16-3, người đứng đầu Cơ quan quản lý hạt nhân Mỹ, Gregory Jaczko cho biết, các thanh nhiên liệu của lò phản ứng số 4 tại nhà máy Fukushima Daiichi đã bị lộ ra, dẫn đến việc phát thải một lượng phóng xạ “cực kỳ cao”.

“Vào lúc này, những gì chúng tôi tin là đã có một vụ nổ hydro tại lò phản ứng này do nhiên liệu trong bể chứa nhiên liệu bị lộ ra. Chúng tôi tin rằng, bể chứa thứ cấp đã bị phá hủy và không có nước trong bể chứa nhiên liệu đã sử dụng, và chúng tôi tin rằng mức phóng xạ đang cực kỳ cao, có thể tác động đến khả năng thực hiện các biện pháp sửa chữa”, Gregory Jaczko cho biết.

Nước dùng để vừa làm mát vừa che chắn uranium. Tuy nhiên, một khi nhiên liệu uranium không còn được che phủ bằng nước, lớp che phủ bằng Zircon bao phủ các thanh nhiên liệu bị nung nóng, sẽ tạo ra khí hydro. Và như thế sẽ gây ra cháy, dẫn đến tình trạng “rất nguy hiểm”, Robert Alvarez, một học giả hàng đầu tại Viện nghiên cứu chính sách và là cựu quan chức trong Bộ Năng lượng Mỹ, cho biết.

Các bức ảnh của tòa nhà được công ty điện lực đưa ra, đã cho thấy một lỗ trên một bức tường và mái của tòa nhà đã bị hỏng.

Trước đó, một máy bay của lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã phải hủy bỏ nhiệm vụ thả nước bên trên lò phản ứng bởi vì mức phóng xạ cao tại khu vực này, đài NHK của Nhật cho biết.

IAEA cho rằng, nhiệt độ của nước tại bể chứa nhiên liệu đã sử dụng phải ở đúng mức 25 độ C. Điều đó đòi hỏi phải có nguồn làm mát liên tục và vì vậy phải có nguồn điện liên tục trong khi một trong hai thứ đã không đảm bảo tại nhà máy do hậu quả của trận động đất và sóng thần hôm thứ Sáu tuần trước.

“Nỗi lo về các bể chứa nhiên liệu đã sử dụng tại nhà máy điện Fukushima Daiichi là các nguồn cung cấp điện để làm mát tại các bể có thể đã bị gián đoạn”, IAEA khẳng định cùng với việc đưa ra các thông số nhiệt độ tại các bể thải nhiên liệu, cho thấy có sự khác nhau và rất cao vào hôm 16-3. Chẳng hạn, ngày 16-3, người ta đã “không có dữ liệu” đối với lò phản ứng số 4 và lò số 5 đã lên 62,7 độ C, lò số 6 đã tăng lên 60 độ C…

Ông Jaczko cho rằng, giới chức hạt nhân Mỹ đang giám sát “hết sức sát sao” cả 4 lò phản ứng. Trong đó, 3 lò đang vận hành vào thời điểm động đất 9 độ Richter  và chúng đã đóng cửa theo trình tự thông thường. Tất cả các lò, theo ông đã bị “hư hại ở một mức độ nào đó phần lõi do không đủ làm mát gây ra từ việc mất nguồn điện từ bên ngoài và các máy phát điện tại chỗ đã không hoạt động để vận hành thành công sau sóng thần”.

Những công bố đáng sợ của ông Jaczko càng khẳng định nỗi sợ rằng khủng hoảng hạt nhân sẽ trầm trọng hơn. Các nỗi sợ đã tăng lên vào sáng ngày hôm qua, khi giới chức Nhật thấy khói trắng bốc lên từ lò phản ứng số 3 của nhà máy điện Fukushima Daiichi.

Giới chức Chính phủ Nhật cho biết, các xét nghiệm nước máy tại thành phố Fukushima nằm cách đó 80 km đã phát hiện phóng xạ, mặc dù liều lượng không có hại cho sức khỏe con người và các xét nghiệm mới nhất cho thấy không có phóng xạ trong nước.

Tại Washington, giới chức quân sự cho biết, họ đã sử dụng một máy bay WC-135W Constant Phoenix, (một loại máy bay được trang bị các thiết bị đặc biệt cho phép nó thu thập các mảnh vụn và bụi khí thải trên vùng khí quyển mà nó đi qua để xác định địa điểm diễn ra một vụ nổ hạt nhân nào đó), để hỗ trợ việc tìm kiếm chất phóng xạ trong bầu khí quyển chung quanh Nhật Bản.

Quang Hiển (Theo AP, CNN)
TIN LIÊN QUAN
;
Tin liên quan
.
.
.
.
.