Thị trường tài chính toàn cầu trở nên ảm đạm do nỗi lo Mỹ và châu Âu vỡ nợ.
Một chuyên gia theo dõi thị trường chứng khoán Úc tại Sydney sáng 8-8. Ảnh: AP |
Phiên giao dịch đầu tuần (sáng 8-8) của thị trường chứng khoán toàn cầu phủ bóng đen bởi việc xếp hạng tín nhiệm tín dụng của Mỹ lần đầu tiên trong 70 năm qua bị hạ thấp từ mức AAA xuống AA+. Theo đó, các thị trường chứng khoán lớn tại châu Á tiếp tục sụt giảm. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo giảm 2,2%, trở về 9.097 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 3,8% xuống còn 1.869 điểm. Các chỉ số tại thị trường Hồng Kông, Đài Loan, Úc, Thượng Hải (Trung Quốc) cũng đều sụt giảm.
Hãng BBC của Anh dẫn lời chuyên gia kinh tế Alvin Liew của Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng, đà sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu bắt nguồn từ việc cơ quan thẩm định tài chính quốc tế Standard & Poor’s (S&P) hạ thấp điểm tín nhiệm tín dụng của cường quốc hàng đầu thế giới. Việc sụt giảm chưa từng có về xếp hạng tín nhiệm tín dụng của Mỹ dự báo triển vọng kinh tế của quốc gia này rất u ám từ 24-30 tháng tới.
Hãng Moody’s ngày 8-8 cũng cảnh báo sẽ hạ xếp hạng của Mỹ trước năm 2013 nếu triển vọng kinh tế của Washington trong vài tháng tới suy giảm đáng kể. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu các nhà lập pháp Mỹ có thể thống nhất thỏa thuận tiết kiệm ngân sách vào năm tới nữa hay không khi 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn còn lắm bất đồng, rạn nứt.
Giữa lúc giới chuyên gia đang lo sợ quả bong bóng nợ công của Mỹ sẽ nổ, châu Âu cũng chật vật đối phó với bài toán thâm hụt ngân sách. Khi các quan chức tài chính hàng đầu thế giới chuẩn bị nhóm họp để bàn về khủng hoảng, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne thúc giục các nước sử dụng chung đồng tiền euro hành động nhanh chóng để xoa dịu những quan ngại về khủng hoảng nợ công. Ông cho rằng, các quốc gia châu Âu cần chứng minh việc có những kế hoạch đáng tin cậy. Ông Osborne đã khởi xướng chương trình cắt giảm chi tiêu ở Anh nhằm kiềm chế thâm hụt kỷ lục, đồng thời khuyến cáo các nước khác cần học “bài học vô giá” từ gương điển hình của Anh.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định sẽ tích cực phục hồi lòng tin của người dân bằng cách mua vào trái phiếu khu vực này sau khi Ý, Tây Ban Nha công bố các giải pháp mới và cải cách để thúc đẩy kinh tế. Hội đồng điều hành ECB đã hoan nghênh những động thái của Chính phủ Rome và Madrid, xem đây là điều cần thiết để tăng cường khả năng cạnh tranh, tính linh hoạt của các nền kinh tế, đồng thời nhanh chóng giảm thâm hụt ngân sách. Cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng euro căng thẳng khi Ý và Tây Ban Nha được cho là có thể trở thành nạn nhân của hiệu ứng domino sau Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.
Trong khi đó, người đứng đầu ngành Tài chính Anh kêu gọi hành động chung để ổn định khu vực đồng euro, vốn là đối tác thương mại lớn nhất của London. Hãng Kyodo của Nhật Bản cho biết, nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ, cũng xác nhận sự cần thiết của các cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng về vấn đề ổn định thị trường. G7 đã cam kết phối hợp hành động để bảo đảm tính thanh khoản của thị trường, hỗ trợ chức năng thị trường tài chính, ổn định và tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner khẳng định sẽ không từ chức và ở lại cương vị này theo yêu cầu của Tổng thống Barack Obama ít nhất sau khi cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2012 kết thúc. Ông Geithner đang hứng chịu những chỉ trích và kêu gọi từ chức do Mỹ bị S&P hạ xếp hạng tín nhiệm tín dụng. Đảm nhận cương vị Bộ trưởng Tài chính từ tháng 1-2009, trước đó ông Geithner đã có hơn 5 năm làm Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang tại New York. Ông cũng là cố vấn kinh tế duy nhất của Tổng thống Obama còn tại nhiệm, có vai trò quan trọng trong việc giúp hệ thống tài chính ổn định và đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc suy thoái vào cuối năm 2008. |
BÌNH YÊN