.

ASEAN và EAS sẽ bàn về Biển Đông

.
Philippines đang thúc đẩy các cuộc đàm phán về một trong những tranh chấp lãnh thổ căng thẳng nhất ở khu vực Đông Nam Á tại các hội nghị vào ngày 17, 18 và 19-11.

Mô tả ảnh.
An ninh ở Bali (Indonesia) đang được thắt chặt. Ảnh: Reuters
 
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ngày 15-11 cho biết, Manila muốn Liên Hợp Quốc phân xử các tranh chấp liên quan giữa Trung Quốc với 5 quốc gia khác, bao gồm: Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei. Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Surin Pitsuwan cũng nói rằng, bên cạnh các vấn đề thương mại, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) sẽ bàn thảo về tranh chấp trên Biển Đông. Song, Trung Quốc phản đối việc thảo luận về các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
 
Bắc Kinh muốn các cuộc đàm phán riêng rẽ để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở khu vực giàu tiềm năng dầu mỏ này. Trong khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Liu Zhenmin nói rằng, Bắc Kinh hy vọng vấn đề sẽ không được đưa ra bàn thảo tại các hội nghị ở đảo Bali của Indonesia, bởi đây là diễn đàn về hợp tác và phát triển kinh tế. Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Bali vào ngày 17 và 18-11. Hội nghị EAS mở rộng quy tụ các lãnh đạo và quan chức cấp cao ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Nga, Hàn Quốc, New Zealand và Mỹ sẽ nối tiếp sau đó vào ngày 19-11.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino đang tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh ASEAN để hình thành một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Hãng AFP dẫn các tài liệu của Philippines cho hay, Tổng thống Aquino muốn xây dựng Biển Đông là “khu vực hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác”, thay vì biến nơi đây thành điểm nóng xung đột. Chính phủ Manila kêu gọi ASEAN tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc họp giữa các nước liên quan trên Biển Đông, trong đó có Trung Quốc, để thảo luận về những tuyên bố chủ quyền và xác lập các vùng tranh chấp cũng như không tranh chấp, hướng đến thiết lập một khu vực hợp tác chung. Theo đó, ASEAN phải đóng vai trò quyết định vào thời điểm này.

Ngày 16-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến Úc, bắt đầu chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương trong 4 ngày và dự kiến ông sẽ nhận được những cái bắt tay nồng ấm từ những đồng minh trong khu vực.
Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Erlinda Basilio tiết lộ: Tổng thống Aquino sẽ tận dụng mọi cơ hội tại các cuộc gặp cấp cao ở Bali để đưa ra những đề xuất, với sự tham dự lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tranh chấp trên Biển Đông vẫn là vấn đề nóng kể từ khi Trung Quốc cho tàu ngăn cản các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam và Philippines. Bản nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông được ASEAN và Trung Quốc ký kết vào năm 2002 chỉ đơn thuần là văn kiện chứ chưa phát huy hiệu quả.

Cũng trong ngày 15-11, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến Philippines, mang theo thông điệp ủng hộ đồng minh châu Á này và tìm kiếm các giải pháp để thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông. Bà dự kiến hội đàm với Tổng thống Aquino vào hôm nay (16-11). Gần đây, Mỹ đã cung cấp cho Philippines một tàu khu trục và bà Clinton sẽ thảo luận về khả năng một con tàu thứ hai dành cho Manila.

Ngoại trưởng Clinton cùng với ông chủ Nhà Trắng Obama sẽ tham dự Hội nghị EAS với mong muốn bày tỏ các cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với châu Á. Hãng AFP dẫn lời Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định: Washington sẽ không tìm cách khuấy động căng thẳng trên Biển Đông. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với hàng loạt bất đồng chưa được tháo gỡ. Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Honolulu (Hawaii, Mỹ), Washington và Bắc Kinh cũng “khẩu chiến” xung quanh thương mại và tiền tệ.

Hãng AP dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Liu Zhenmin phản đối việc Mỹ lên tiếng trong vấn đề Biển Đông, đồng thời cho rằng sự can thiệp của lực lượng bên ngoài “chỉ làm vấn đề phức tạp, hủy hoại hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực”.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.