Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhấn mạnh về sự ủng hộ ngoại giao và quân sự của Washington đối với Philippines.
Tại tàu khu trục USS Fitzgerald ở Vịnh Manila, Ngoại trưởng Clinton và người đồng cấp Philippines Albert del Rosario đã ký tuyên bố kêu gọi các cuộc đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp về lãnh thổ trên Biển Đông. 6 quốc gia trong khu vực liên quan đến tranh chấp này, nhưng Trung Quốc muốn đàm phán song phương và bác bỏ bất kỳ sự liên quan nào của Mỹ. Bà Clinton cho biết, Washington đang hỗ trợ người đồng minh lâu năm ở châu Á tăng cường lực lượng hải quân khi đối phó với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, vị quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói rằng, Washington không đứng về bên nào nhưng các bên liên quan nên giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nguyên tắc luật pháp, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Tuyên bố Manila được bà Clinton và ông Rosario ký kết đánh dấu kỷ niệm 60 năm Hiệp định Quốc phòng song phương giữa Washington và Manila. Theo đó, Tuyên bố kêu gọi duy trì tự do hàng hải, thương mại và đi lại cho người dân trên các vùng biển.
Phát biểu khi gặp gỡ Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 16-11, Ngoại trưởng Clinton cho biết, tại Hội nghị Đông Á (EAS) ở đảo Bali của Indonesia vào tuần này, Mỹ sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán cởi mở và thẳng thắn về các vấn đề, trong đó có những thách thức vùng biển ở khu vực. Washington khẳng định việc đưa vấn đề tranh chấp trên Biển Đông ra bàn thảo tại EAS là phù hợp nhưng Trung Quốc bác bỏ động thái này mà chỉ kêu gọi sự tham vấn hòa bình giữa các bên trực tiếp liên quan. Philippines cũng đã đề xuất với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về “một khu vực hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác trên Biển Đông”. Theo Ngoại trưởng Rosario, sự ủng hộ của Mỹ đối với Philippines có tính chất quan trọng cho sự ổn định và mục tiêu chung của 2 nước trên Biển Đông. Ông tái khẳng định rằng, Philippines sẽ tìm kiếm tiếng còi của trọng tài Liên Hợp Quốc cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đồng hành với Ngoại trưởng Clinton nói rằng, Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines bằng việc củng cố sức mạnh của lực lượng hải quân nước này. Tổng thống Aquino đã khẳng định: Manila sẽ không bị Trung Quốc bắt nạt. Washington cũng đang có kế hoạch sớm chuyển giao tàu khu trục thứ hai cho Philippines.
Có mặt tại thủ đô Canberra của Úc vào ngày 16-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh đến việc mở rộng sự hiện diện quân đội Mỹ tại đất nước này. Ông Obama khẳng định quan niệm sai lầm khi cho rằng, Mỹ lo ngại Trung Quốc hoặc muốn loại trừ sức mạnh đang ngày càng gia tăng từ các liên minh kinh tế của Washington ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Song, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục gửi thông điệp rõ ràng rằng, Trung Quốc cần chấp nhận trách nhiệm của một cường quốc thế giới. Ông Obama sẽ tham dự Hội nghị cấp cao EAS ở Bali vào ngày 19-11. Trước đó, Mỹ đã nhiều lần đề cập đến mối quan tâm đối với an ninh hàng hải ở Biển Đông cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
PHÚC NGUYÊN