(ĐNĐT) - Ngày 12-11, các phóng viên đã được phép vào thăm Nnhà máy điện hạt nhân Fukushima, sau hơn 8 tháng nhà máy bị động đất và sóng thần tấn công, và khủng hoảng hạt nhân xảy ra ngay sau thảm họa đó.
Đây là lần đầu tiên, khoảng 30 phóng viên, chủ yếu là người Nhật, được phép vào nhà máy kể từ khi các lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy bị nóng chảy, gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernobyl cách đây 25 năm trước.
Hệ thống làm mát tại nhà máy đã bị ngắt điện sau trận động đất kinh hoàng và người ta thấy rõ những tàn phá tại đây.
Các tòa nhà chứa lò phản ứng vẫn được bao vây bởi xe cộ bẹp dúm, hàng rào kim loại vặn xoắn, các bể nước lớn đầy vết loang lỗ. Các tòa nhà văn phòng chung quanh các lò phản ứng bị bỏ hoang từ hôm 11-3, thời điểm sóng thần tấn công nhà máy.
Khu vực nhà máy tập trung khá nhiều cần cẩu, được xem như là một lời hứa của các nỗ lực khôi phục nhà máy.
Các nhà báo trong chuyến đi này chủ yếu ngồi trên xe và họ được đưa đi vòng quanh nhà máy và không được phép tới gần các tòa nhà chứa lò phản ứng. Họ vẫn phải mặc quần áo bảo hộ, đeo găng tay hai lớp và giày nhựa, mũ trùm đầu. Ngoài ra, tất cả phải mang mặt nạ chống hơi độc và máy dò phóng xạ.
Giám đốc Nhà máy điện Fukushima Daiichi, Masao Yoshida cho biết: “Từ các dữ liệu tại nhà máy mà chúng tôi đã xem, không nghi ngờ gì nữa rằng, các lò phản ứng đã ổn định”.
Mặc dù khu vực này vẫn còn ngổn ngang những đống đổ nát, nhưng Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy đã thành công trong việc hạ thấp nhiệt độ tại 3 lò phản ứng đã bị hư hỏng xuống dưới ngưỡng nguy hiểm.
Giờ đây, họ tin rằng họ sẽ có thể tuyên bố “dừng nguội”, khi nhiệt độ đã ổn định dưới điểm sôi, theo dự kiến vào cuối năm nay.
Trong khi Điện lực Tokyo cố gắng làm ổn định nhà máy để các công nhân có thể đi vào các tòa nhà chứa lò phản ứng, ông Yoshida cho biết, vẫn còn những nguy hiểm rình rập những công nhân làm việc trong đó.
Thảm họa buộc TEPCO phải nhanh chóng tuyên bố một vùng trắng 20km chung quanh nhà máy, buộc hơn 80.000 người sơ tán khẩn cấp.
Dừng nguội là một trong những điều kiện phải được đáp ứng trước khi chính phủ xem xét dỡ bỏ lệnh cấm đi vào nhà máy.
Tuy nhiên, từ khi dừng nguội đến khi các lò phản ứng có thể được phá dỡ, phải mất 30 năm.
,
Các công nhân tham gia nỗ lực phục hồi được bố trí ở tại Làng V, một trung tâm huấn luyện bóng đá gần Daiichi đã được chuyển thành một căn cứ cho chiến dịch. TEPCO cho biết, mỗi ngày có đến 3.300 công nhân đến Làng V, nằm ở mép của vùng trắng 20 km. Tại đó, các công nhân đi vào nhà máy phải xếp hàng trong các lán trại màu trắng để thay quần áo bảo hộ. Mỗi ngày khi họ quay ra, họ phải vứt bỏ áo quần đó, chúng được xử lý như chất thải phóng xạ và được lưu giữ.
Một hướng dẫn viên của TEPCO cho biết, từng mẫu quần áo vứt bỏ đi được giữ lại kể từ hôm 17-3, với khoảng 480.000 bộ đang chất thành những đống lớn hoặc bỏ vào các thùng đựng có kích thước bằng một chiếc giường nằm và xếp thành dãy.
|
8 tháng sau thảm họa, các phóng viên đã được vào nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi |
|
Các phóng viên phải mặc quần áo bảo hộ, ngồi trên xe chạy quanh nhà máy nhưng không được đến gần các lò phản ứng |
|
: Lò phản ứng số 4 từng xảy ra một vụ nổ |
|
Quang cảnh hiện trường còn nguyên vẹn sau khi sóng thần tấn công |
|
Các công nhân vẫn còn đối mặt với những nguy hiểm, mặc dù tình trạng ổn định cho phép một số người đi vào các tòa nhà chứa lò phản ứng |
|
Các công nhân tại nhà máy phải được kiểm tra phóng xạ để đảm bảo thời gian phơi nhiễm của họ là có giới hạn |
|
Những khung sắt thép dúm dó rải rác khắp nhà máy |
|
Có hơn 3.000 công nhân mỗi ngày làm việc trong nỗ lực dập tắt lò phản ứng bị hư hại |
Quang Hiển (theo Reuters, BBC)