.

Ý: Lãnh đạo mới, thách thức cũ

.
Chuyên gia kinh tế Mario Monti sẽ lãnh đạo Ý vượt qua khủng hoảng cho đến cuộc bầu cử vào năm 2013.

Mô tả ảnh.
Tân Thủ tướng Mario Monti là chuyên gia kinh tế không đảng phái. Ảnh: Getty Images/CNN
 
Mục tiêu mà chuyên gia kinh tế không đảng phái Mario Monti đặt ra là khôi phục niềm tin từ các thị trường tài chính của Ý ngay sau khi kế nhiệm cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. Đây là các thách thức cũ mà ông Berlusconi đã không vượt qua được. Tổng thống Giorgio Napolitano cho rằng, cần có nỗ lực phi thường để giải quyết khủng hoảng nợ và Ý không thể chờ đến bầu cử trong tình trạng tê liệt chính trị. Ông Napolitano cũng nhận định quốc gia này phải khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư và các tổ chức châu Âu. Sau 17 cuộc họp với các quan chức cấp cao để bổ nhiệm ông Monti, Tổng thống Napolitano nói rằng, tuổi thọ của Chính phủ mới sẽ phụ thuộc vào hành động của Chính phủ, phản ứng của nền kinh tế, thị trường, các nhà đầu tư, của châu Âu và quốc tế.

Ông Monti chấp nhận nhiệm vụ mới và đang nỗ lực hình thành Chính phủ để cứu nền kinh tế lớn thứ 8 của thế giới thoát khỏi khủng hoảng. Hiện ông nhận được sự hậu thuẫn để điều hành một Chính phủ kỹ trị với sự tham gia của 12 chuyên gia, thay vì các chính trị gia. Trên cương vị Thủ tướng, vị giáo sư kinh tế 68 tuổi từ chối đưa ra lịch trình hoàn tất một Chính phủ mới. Song, các cuộc thương thảo cho những vị trí trong nội các đã được bắt đầu vào ngày 14-11 và dự kiến mất một vài ngày tới. Một số nghị sĩ cho rằng nên bầu cử sớm để chọn ra Chính phủ hợp pháp theo luật bầu cử, chứ không duy trì Chính phủ kỹ trị đến năm 2013.

Hãng CNN mô tả tân Thủ tướng Monti là người lạnh lùng, điềm tĩnh và tự chủ - những tính cách khác biệt với người tiền nhiệm Berlusconi. Ông sinh trưởng tại Varese Lombardy (miền Bắc nước Ý), tốt nghiệp Đại học Bocconi ở Milan và tiếp tục học nghiên cứu ở Đại học Yale của Mỹ. Với sự dày dạn kinh nghiệm trong ngành Tài chính quốc tế, “Super Mario” (biệt danh của ông Monti) từng đảm nhận chức vụ Cao ủy Hội đồng châu Âu chuyên về thị trường, cạnh tranh.

Ý là nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực đồng euro nên châu Âu khó có thể giải cứu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland. Liên minh châu Âu (EU) đang đề nghị Ý cắt giảm chi tiêu công, cải cách chế độ hưu trí cũng như có những giải pháp tích cực để giảm món nợ công khổng lồ lên đến 1.900 tỷ euro (2.600 tỷ USD). Vì vậy, Chính phủ mới sẽ thúc đẩy cải cách, vốn được ông Berlusconi thống nhất với các lãnh đạo khu vực đồng euro trước đó.
 
Song, ông Monti phải đối mặt với phe đối lập, cả phe cánh tả lẫn cánh hữu, xung quanh một số giải pháp không được lòng dân như vấn đề lương hưu và thị trường lao động. Reuters dẫn lời Thư ký Đảng PDL của ông Berlusconi rằng, chưa rõ tân Thủ tướng Monti sẽ giải quyết các vấn đề như thế nào trong khi có sự mâu thuẫn rất lớn giữa thành viên các đảng phái mặc dù họ cam kết ủng hộ Chính phủ mới. Theo Liên minh phương Bắc - đối tác trong liên minh trung hữu của ông Berlusconi, nhà kinh tế học Monti sẽ đương đầu với một trận chiến khó khăn tại Quốc hội để có được sự ủng hộ cải cách.

Ở châu Á, chứng khoán và đồng euro ngày 14-11 gia tăng với hy vọng rằng, tân Thủ tướng Ý Mario Monti và người đồng cấp Hy Lạp Lucas Papademos sẽ có những hành động quyết định đối với bài toán nợ công. Song, để điều hành Chính phủ, ông Monti sẽ phải giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Tương tự, kế nhiệm ông George Papandreou, tân Thủ tướng Papademos cũng sẽ phải trải qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại nội các vào ngày 16-11 trước khi diễn ra cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro ở Brussels (Bỉ) vào một ngày sau đó.

PHÚC NGUYÊN
;
.
.
.
.
.