Đảng Bảo thủ hoan nghênh việc Thủ tướng David Cameron phủ quyết Hiệp ước sửa đổi của Liên minh châu Âu (EU) nhưng Công đảng và Đảng Dân chủ Tự do ở Anh phản ứng gay gắt trước hành động này.
Thủ tướng David Cameron đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels. Ảnh: Reuters |
Chiều 12-12, Thủ tướng David Cameron phải lý giải trước Quốc hội Anh về việc phủ quyết Hiệp ước sửa đổi của EU. Lần đầu tiên trong 39 năm qua một Thủ tướng Anh đã dùng quyền phủ quyết thỏa thuận của liên minh già cỗi. Ông Cameron cho rằng, đây là quyết định cần thiết để bảo vệ những lợi ích của Anh. Tuy nhiên, hầu hết các nước châu Âu chỉ trích nhà lãnh đạo Anh, thậm chí mô tả hành động này là liều lĩnh và tạo ra sự khác biệt.
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) vào ngày 9-12 vừa qua, Thủ tướng Cameron đã ngăn cản những thay đổi trong Hiệp ước Lisbon, văn bản với những sửa đổi theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel nhằm thắt chặt các quy định về ngân sách của khối euro, tháo gỡ khủng hoảng trong khu vực và tránh sự việc tương tự lặp lại trong tương lai. Ông Cameron lo ngại những sửa đổi sẽ hạn chế thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ của Anh. Ông cũng muốn bảo vệ vị thế của London, vốn là trung tâm tài chính của châu Âu, với dịch vụ tài chính chiếm 10% nền kinh tế Anh. Trong khi đó, Hiệp ước sửa đổi của EU cần sự ủng hộ của 27 thành viên thuộc liên minh, bao gồm cả những quốc gia không sử dụng đồng euro như Anh.
Nhiều nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ đã hoan nghênh quyết định của Thủ tướng Cameron, thậm chí chào đón ông từ Brussels trở về như một người hùng. Song, Công đảng và một số nghị sĩ của Đảng Dân chủ Tự do lại lên án người đứng đầu Chính phủ đang đặt nước Anh vào thế cô lập. Lãnh đạo Công đảng Ed Miliband cáo buộc ông Cameron đã thất bại trong mục tiêu bảo vệ thành phố London - trung tâm dịch vụ tài chính sống còn của Anh. Trong khi đó, thăm dò do tờ The Times của Anh tiến hành cho thấy, hầu hết người dân ủng hộ quan điểm của Thủ tướng. Trong hơn 1.000 người được hỏi, có 57% cho rằng, ông Cameron đã hành động đúng, nhưng 56% lại quan ngại về ảnh hưởng của Anh sẽ giảm sút trong EU.
Hãng Reuters cho rằng, quyết định của Thủ tướng Cameron không tham gia vào Hiệp ước sửa đổi không những cô lập Anh trong khối 27 thành viên EU mà còn tạo ra những rạn nứt lớn nhất trong liên minh cầm quyền kể từ khi ông nắm quyền vào tháng 5-2010. Liên minh cầm quyền bỗng đối mặt với đe dọa lớn mặc dù các bên đều khẳng định Chính phủ không ở bên bờ sụp đổ. Phó Thủ tướng Nick Clegg vốn dẫn đầu Đảng Dân chủ Tự do thân châu Âu đã bày tỏ sự thất vọng lớn sau Hội nghị thượng đỉnh và quan ngại về hệ lụy lớn, bao gồm những ảnh hưởng xấu đối với Anh mà ông gọi là “thảm họa kinh tế”.
Các nước thành viên khác, trong đó có 17 quốc gia sử dụng đồng euro, đang dự kiến về một thỏa thuận riêng rẽ mà không có sự tham gia của Anh, càng đặt London vào tình thế bị cô lập chưa từng có trong EU. Theo Báo Le Figaro của Pháp, nếu Anh rút khỏi EU, các hạng mục khác của nước này cũng rút theo, chẳng hạn như nông nghiệp, ngư nghiệp, các luật định xã hội, chính sách kinh tế... Nhưng cũng theo báo này, với Anh, tương lai dường như nằm cạnh Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ... hơn là với châu lục già cỗi.
PHÚC NGUYÊN