Thông thường nhà tù là nơi có hệ thống kiểm soát và an ninh nghiêm ngặt nhất để phòng ngừa tấn công từ bên ngoài và nổi loạn từ bên trong. Thế nhưng, vẫn có ít nhiều lỗ hổng mà các phần tử bên ngoài câu kết với các tù nhân tập trung khai thác để có thể hành động bất ngờ. Vài năm gần đây, tình trạng nổi loạn và tấn công các nhà tù trên thế giới tăng nhanh, như “cơn dịch” lây lan khá mạnh tại nhiều nước châu Mỹ-Latinh, châu Á và một số quốc gia khác.
Từ đầu năm 2012 đến nay, liên tiếp xảy ra cướp và nổi loạn trong các nhà tù khiến hàng trăm tù nhân chết và bị thương. Đêm 14-2, các tù nhân nổi loạn đã gây ra vụ cháy nhà tù ở thị trấn Comayagua, thủ đô Tegucigalpa của Honduras. Khoảng 475 tù nhân đã trốn thoát và 356 tù nhân khác mất tích hoặc thiệt mạng.
Tiếp đó, ngày 19-2, bạo loạn đã diễn ra tại nhà tù Apodaca ở gần thành phố Monterrey thuộc bang Nuevo Leon (Mexico) khi thành viên của các băng đảng ma túy thù địch bị giam giữ sử dụng đá và vũ khí tự tạo tấn công lẫn nhau. Vụ việc làm 44 tù nhân bị thiệt mạng và 15 người khác bị thương. Thực tế cho thấy, các vụ bạo loạn đẫm máu giữa những băng đảng đối đầu nhau không phải là chuyện hiếm thấy tại hệ thống nhà tù quá tải và đầy rẫy tham nhũng ở Mexico. Ông Jorge Domene, người phát ngôn lực lượng an ninh bang Nuevo Leon, thừa nhận rằng nhà tù Apodaca được xây dựng để giam khoảng 1.500 người nhưng hiện chứa hơn 3.000 tù nhân. Một cuộc điều tra đang được tiến hành nhằm xác định xem có cai tù biến chất nào tiếp tay để cuộc bạo loạn hay không. Cũng tại Mexico ngày 13-2, 7 tù nhân đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương sau cuộc chiến giữa các băng nhóm tại nhà tù Cadereyta. Trước đó, ngày 4-1, một cuộc bạo động tại nhà tù ở phía Bắc bang Tamaulipas của Mexico làm 31 người chết và 13 người khác bị thương.
Cùng trong ngày 19-2, tại nhà tù ở thành phố Kidapawan, tỉnh North Cotabato, miền nam Philippines, khoảng 50 tay súng đã giải thoát cho Datukan Samad, tình nghi là thành viên nhóm phiến quân Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF). Trong vụ này, 3 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương, chủ yếu là thường dân. Trước đó, ngày 24-1, tại Sri Lanka, các nhân viên cai tù đã nổ súng trong lúc xô xát với tù nhân tại nhà tù Magazine ở thủ đô Colombo làm 19 người bị thương. Nguyên nhân do các tù nhân đốt nhà tù để phản đối tình trạng chật chội và thức ăn tồi tệ. Năm 2010, có hơn 50 cảnh sát viên và cai tù đã bị thương tại nhà tù Welikada của Sri Lanka, vì tù nhân chống đối cuộc kiểm tra tư trang của ban quản giáo để tìm ma túy và các vật dụng bị cấm.
Mới đây nhất là vụ nổi loạn của các tù nhân tại nhà tù ở Indonesia. Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Bali, ông Ketut Untung Sayoga, cho biết lực lượng an ninh Indonesia đã tấn công nhà tù Kerobokan của Bali vào rạng sáng 22-2, nơi giam giữ 12 tù nhân người Úc, chủ yếu do phạm tội buôn bán ma túy, nhằm giành lại quyền kiểm soát. Trước đó, các tù nhân đã nổi loạn, phóng hỏa đốt một văn phòng và nắm quyền kiểm soát nhà tù. Nguyên nhân cũng do nhà tù quá tải.
Các vụ tấn công và bạo loạn nói trên cho thấy sự buông lỏng công tác giám sát, ngăn ngừa; các điều kiện giam giữ quá tải, tồi tệ; cùng sự biến chất của những người quản lý, để các tù nhân có cơ hội liên kết nổi loạn gây nên cái chết cho hàng trăm người. Tình trạng này đã và đang khiến các tổ chức nhân quyền trên thế giới quan ngại.
TUYẾT MINH