.

Hàn Quốc không tìm thấy mảnh vỡ nào của tên lửa Triều Tiên

.

(ĐNĐT) - Ngày 17-4, Hàn Quốc đã kết thúc việc tìm kiếm các mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên rơi, với kết cục chẳng tìm được mảnh vỡ nào, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.

(ĐNĐT) - Ngày 17-4, Hàn Quốc đã kết thúc việc tìm kiếm các mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên rơi, với kết cục chẳng tìm được mảnh vỡ nào, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.  Vùng biển đầy bùn trên Hoàng Hải, nơi mà tên lửa Triều Tiên vỡ tung hôm thứ Sáu tuần trước sau 81 giây bay vào không trung, đã làm khó khăn cho việc tìm kiếm của các tàu hải quân và trực thăng nước này.
Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên lúc còn trên bệ phóng (Ảnh: THX)

Vùng biển đầy bùn trên Hoàng Hải, nơi mà tên lửa Triều Tiên vỡ tung hôm thứ Sáu tuần trước sau 81 giây bay vào không trung, đã làm khó khăn cho việc tìm kiếm của các tàu hải quân và trực thăng nước này.

Ít nhất 10 tàu chiến Hàn Quốc đã tiến hành tìm kiếm tại vùng biển trên Hoàng Hải, nơi tên lửa Unha-3 rơi sau khi nổ tung ngoài khơi, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 165 km về phía tây.

Hãng tin AFP dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: “Không có mảnh vỡ nào được tìm thấy và chiến dịch chính thức kết thúc lúc 17 giờ (8 giờ GMT)”.

Các tàu của Trung Quốc, Nga và Mỹ cũng đã tìm kiếm các mảnh vỡ tên lửa bởi theo các chuyên gia, các mảnh vỡ này có thể đem lại một cái nhìn sâu hơn về công nghệ tên lửa của Triều Tiên.

Trong khi đó, Triều Tiên tuyên bố trước vụ phóng, rằng bất kỳ quốc gia nào cố tình tìm kiếm mảnh vỡ tên lửa sẽ gặp kết cục trả đũa “không thương xót".

Ngày 16-4, 15 nước của HĐBA Liên Hiệp Quốc, đã phát đi một tuyên bố rằng, vụ phóng tên lửa đã gây ra “mối quan ngại nguy hiểm về mặt an ninh” tại châu Á.

Ngoài ra, HĐBA còn đưa một số điểm mới vào danh sách trừng phạt, đồng thời xem xét lại danh sách những người và công ty nằm trong diện bị phong tỏa tài sản. Trước đó, HĐBA đã áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa năm 2006 và 2009.

Vào tháng 2, Bình Nhưỡng đã đồng ý ngưng các hoạt động hạt nhân và ngưng thử tên lửa để đổi lấy viện trợ lương thực của Mỹ. Tuy nhiên, vào ngày 13-4, chính phủ của Tổng thống Obama đã thông báo rằng, sẽ hủy bỏ thỏa thuận viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng, ngay sau khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa.

Theo Yonhap, ngày 17-4, Tư lệnh Mỹ tại Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc và Mỹ đang xem xét “tất cả các chọn lựa” để ngăn chặn những hành động khiêu khích trong tương lai của Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa tuần trước.

Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương đã có những đánh giá tại cuộc họp với các phóng viên quốc phòng Hàn Quốc tại Seoul. Ông cho biết, Bình Nhưỡng có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân mới để cứu vãn thể diện.

“Sự thật thì trong quá khứ Triều Tiên đã từng làm theo cách này với các hành động khiêu khích hơn nữa”, ông Locklear nói.

Quang Hiển

;
.
.
.
.
.