.

Giao tranh vẫn đang diễn ra quyết liệt ở Damascus

.

Ngày 21-7, quân chính phủ Syria với sự yểm hộ của trực thăng chiến đấu và xe tăng tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở thủ đô Damascus nhằm vào lực lượng chống đối.

Lực lượng an ninh Syria trong cuộc xung đột tại Damascus ngày 18/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Lực lượng an ninh Syria trong cuộc xung đột tại Damascus ngày 18/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Người dân địa phương cho biết âm thanh đạn pháo ở Damascus rất dữ dội vào tối cùng ngày khiến họ khó có thể phân biệt được so với loạt đại bác truyền thống đánh dấu thời điểm hết ngày trong tháng an chay Ramadan của người Hồi giáo.

Các nhà hoạt động đối lập nói rằng trực thăng chiến đấu của quân chính phủ đã bắn rốckét vào một khu vực gần quận Sayida Zeinab ở phía Nam thủ đô, làm hàng chục người chết và bị thương. Trong khi đó, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) ra thông báo nhấn mạnh tại Damascus, người dân đang phải tiếp tục tìm kiếm sự an toàn nhưng đầy khó khăn.

Hãng thông tấn quốc gia Syria SANA cho biết quân chính phủ đã quét sạch các tay súng chống đối khỏi quận al-Qaboun ở Damascus, tiêu diệt được phần lớn và bắt giữ những đối tượng còn lại.

Trước đó, truyền thông chính thống Syria ngày 20-7 nói rằng một quận khác là al-Midan cũng đã sạch bóng quân chống đối.

Tuy nhiên, giao tranh tiếp tục diễn ra ở quận Mazzeh và những vùng ngoại ô khác của Damascus trong ngày 21-7.

Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nhận xét rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang điều động quân đội bảo vệ thủ đô. Hầu hết các cửa hàng tại Damascus đã phải đóng cửa. Nhiều điểm bán nhiên liệu cũng ngừng hoạt động vì hết hàng, riêng tại các điểm còn mở cửa thì luôn có lượng xe dày đặc chờ mua. Người dân Damascus cũng xếp hàng dài trước các cửa hàng lương thực trong bối cảnh lo ngại giao tranh sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng ngày.

Tình hình ở thành phố lớn Aleppo, trung tâm thương mại ở miền Bắc Syria, cũng đang rất nghiêm trọng với giao tranh không ngớt giữa quân chính phủ và lực lượng chống đối. Ngày 21/7, quân và xe bọc thép của lực lượng chính phủ đã đẩy mạnh tấn công vào quận Saladin ở thành phố này, địa điểm đã lọt vào tay quân chống đối trong hai ngày qua. Tiếng súng đạn cũng vang lên liên tiếp ở khu vực đông dân cư al-Sakhour.

Ngọn lửa bạo lực không chỉ tiếp tục bùng cháy ở các thành phố lớn như Damascus và Syria mà còn lan rộng với giao tranh ở nhiều quận khác. Thành phố miền Trung Homs vẫn là một điểm nóng an ninh mà ngày 21-7 chứng kiến việc quân chính phủ phải triển khai xe tăng bao vây nhà tù lớn tại đây do xảy ra một cuộc nổi loạn từ tối 20-7. Cuộc nổi loạn này cuối cùng đã được trấn áp và theo một số nguồn tin, có 2 tù nhân thiệt mạng trong các vụ xung đột.

Giao tranh giành quyền kiểm soát các đường biên giới giữa Syria và Iraq vẫn quyết liệt. Ngày 21-7, một quan chức Iraq cho biết quân chống đối "Quân đội Syria tự do" (FSA) đã chiếm thêm được cửa khẩu thứ hai bất chấp quân chính phủ phát động chiến dịch tấn công mạnh mẽ. Sau khi FSA nắm cửa khẩu Yaribiyah này, Iraq đã đóng cửa khẩu phía họ và từ ngày 22-7 sẽ chỉ có đi lại một chiều từ Iraq sang Syria.

Trước đó, FSA cũng đã chiếm được cửa khẩu Albu Kamal giữa Syria và Iraq. Không chỉ có vậy, FSA được cho là đang nắm trong tay cửa khẩu biên giới áp Bab an-Hawa giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 21-7, hàng chục tài xế xe tải bên phía Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc FSA đốt cháy, cướp bóc hàng hóa của họ sau khi chiếm trạm kiểm soát biên giới từ tay quân chính phủ Syria.

Về thương vong trong ngày 21-7, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (trụ sở tại Anh) cho rằng đã có ít nhất 130 người thiệt mạng, trong đó có 64 dân thường. Với mức độ tàn khốc của tình trạng bạo lực tại Syria lên đến hàng trăm nạn nhân thiệt mạng mỗi ngày như hiện nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã chỉ trích chính quyền Syria "rõ ràng thất bại" trong việc bảo vệ dân thường, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngăn chặn cuộc khủng hoảng đẫm máu này.

Ông Ban Ki-moon  cũng cho biết sẽ cử Phó Tổng thư ký phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình, Herve Ladsous, tới Syria để đánh giá tình hình tại đây.

Trong một diễn biến khác, ngày 21-7, Malaysia đã sơ tán các công dân tại Syria về nước. Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết quyết định đưa các sinh viên về nước là một biện pháp phòng ngừa để đảm bảo sự an toàn cho họ cũng như nhằm tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc. Chính phủ Malaysia cũng đã quyết định sau khi công tác sơ tán sinh viên kết thúc, tới lượt đại sứ cùng 4 quan chức khác thuộc Đại sứ quán Malaysia tại Syria cũng tạm thời được rút về nước.

TTXVN

 

;
.
.
.
.
.