.

Điều tra sự cố ắc-quy trên máy bay Dreamliner

.

(ĐNĐT) - Hôm nay, 18-1, một nhóm chuyên gia từ cơ quan hàng không Mỹ và hãng chế tạo máy bay Boeing đã tới Nhật để điều tra về chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner của hãng hàng không All Nippon Airways đã hạ cánh khẩn cấp trong một chuyến bay nội địa vào đầu tuần này do lỗi ắc-quy.

Vụ việc buộc Cục hàng không Liên bang Mỹ cấm bay đối với Boeing 787 tại Mỹ. Tiếp đến, Nhật và hàng loạt các nước khác như Chile, Ethiopia và Qatar đã cấm các hãng hàng không tiếp tục bay đối với tổng cộng 50 chiếc Dreamliner đang phục vụ, cho đến khi nào giải quyết xong sự cố bình ắc-quy mới tiếp tục hoạt động trở lại.

Mặc dù việc điều tra mới bắt đầu, nhưng theo các chuyên gia, Boeing đã quá chú tâm vào hiệu quả về nguồn điện và ưu điểm về trọng lượng của loại ắc-quy Lithium-Ion mà bỏ qua những nguy cơ mà loại ắc-quy này gây ra cho máy bay.

Để giảm trọng lượng trên máy bay, Boeing đã dựa hẳn vào các ắc-quy Lithium-Ion, cùng loại với nguồn pin trên điện thoại di động và máy tính xách tay.

Trong khi các ắc-quy này có thể sản sinh ra nhiều năng lượng hơn nhờ trọng lượng nhẹ, chúng lại rất dễ gặp lỗi. Tựa như các cục pin trong máy tính xách tay gây cháy cách đây vài năm và gần đây, chúng bị nghi là thủ phạm của các vụ cháy điện trên xe ô tô.

Hãng hàng không ANA của Nhật cho biết, cứ mỗi ngày Dreamliner dừng bay, hãng này thiệt hại 1,1 triệu USD. Ảnh: Boeing
Hãng hàng không ANA của Nhật cho biết, cứ mỗi ngày Dreamliner dừng bay, hãng này thiệt hại 1,1 triệu USD. Ảnh: Boeing

Lithium là kim loại nhẹ nhất, vì vậy, các ion của nó chứa năng lượng hiệu quả hơn, hơn gấp đôi so với mỗi đơn vị trọng lượng của ắc-quy nikel và cadmium. Đặc tính này đã làm cho loại ắc-quy này hấp dẫn đối với Boeing, loại máy bay sử dụng ắc-quy này để hỗ trợ nguồn điện cho một vài chức năng mà trước đó thường thao tác bằng thủy lực.

Một máy bay nhẹ hơn thì hiệu quả hơn về nhiên liệu, đây chính là điểm mạnh trong việc hút hàng của Boeing 787. Hiện các nhà sản xuất máy bay khác cũng đã sử dụng ngày càng nhiều ắc-quy Lithium-Ion.

Ngoài đặc tính nhẹ và có trữ lượng điện cao, ắc-quy Lithium-Ion cần rất ít việc bảo dưỡng, không cần phải xả hết nguồn trước khi nạp lại như loại ắc-quy nikel và cadmium. Hơn nữa, chúng ít gây độc cho môi trường khi bị vứt bỏ.

Tuy nhiên, loại ắc-quy này lại không ổn định khi kết hợp với các nguyên tố khác. Do tính bất ổn định nên ắc-quy này dễ bắt lửa nếu chúng nạp điện quá nhiều, đây là trường hợp của sự cố Boeing 787 tại sân bay Logan ở Boston.

Còn tệ hơn nữa, là khi các vụ cháy do ắc-quy này gây ra lại cực kỳ khó dập tắt. Vụ cháy tại Boston phải mất 40 phút mới dập được, Cosmin Laslau, một nhà phân tích năng lượng tại Lux, một công ty tư vấn và nghiên cứu chủ yếu về các công nghệ mới cho biết.

Laslau cho rằng, hiện giờ, việc khắc phục nguy cơ gây cháy rõ ràng là vấn đề chính. Boeing đã chọn một loại hợp chất đặc biệt nguy hiểm trong ắc-quy Lithium-Ion, đó là loại cung cấp nhiều năng lượng hơn nhưng lại không ổn định đối với tình trạng quá nhiệt.

"Boeing đã đưa ra một quyết định tỉnh táo về thiết kế, và giờ thì hãng này đang trả giá”, Laslau nhận định.

Quang Hiển (theo CNN, Reuters)

;
.
.
.
.
.