Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang đứng trước rủi ro chính trị khi công bố nước này sẽ tham gia đàm phán Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, đây là cơ hội cuối cùng để Nhật Bản tham gia đàm phán TPP. Ảnh: Reuters |
Hãng tin Reuters nhận định, quyết định của Thủ tướng thứ 7 của Nhật Bản kể từ năm 2006 đến nay vô hình trung tạo ra “mũi tên thứ ba” cho đảng đối lập nhằm vào chính sách “Abenomics” sau các giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế và nới lỏng tiền tệ gây nhiều tranh cãi. Song, quyết định này lại mang đến cho ông Abe tỷ lệ ủng hộ cao nhất kể từ khi nắm quyền vào tháng 12 năm ngoái.
Reuters dẫn thăm dò dư luận ngày 18-3 cho biết, đa số người dân Nhật Bản ủng hộ việc nước này đàm phán TPP mặc dù nhóm vận động của giới nông dân và các nhóm lợi ích khác vẫn ra sức phản đối. Cụ thể, theo khảo sát do tờ Asahi thực hiện, 71% cử tri ủng hộ bước đi của ông Abe, 65% ủng hộ nội các đương nhiệm. Trong khi đó, các báo Yomiuri và Mainichi cho biết, tỷ lệ ủng hộ ông Abe lần lượt là 72% và 70%. Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Waseda, Takehiko Yamamoto, cho rằng tỷ lệ ủng hộ của công chúng dành cho TPP cao cho thấy lý giải của Thủ tướng Abe về sự cần thiết phải tham gia hiệp ước này mang lại cảm giác an tâm cho người dân.
Theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản, gia nhập TPP không những có thể giúp GDP của nước này có thêm 3.200 tỷ yen (33,3 tỷ USD) mà còn giúp các nền công nghiệp của xứ sở hoa anh đào cạnh tranh hơn. Thủ tướng Abe nhấn mạnh, đàm phán TPP không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho Nhật Bản mà còn là cơ hội để tạo ra diễn đàn kinh tế mới với đồng minh Mỹ. “Nếu Nhật Bản vẫn là nền kinh tế hướng nội thì sẽ không có cơ hội để tăng trưởng”, ông nói.
Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường sẽ khiến Nhật Bản đối diện nguy cơ mất đến 3.000 tỷ yen giá trị hàng nông nghiệp khi hàng hóa nhập khẩu rẻ và tỷ lệ tự túc nông nghiệp giảm từ 39% hiện tại xuống còn 13%. Ngày 18-3, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Abe tái khẳng định cam kết dù tham gia TPP nhưng vẫn bảo vệ lĩnh vực nông nghiệp với lực lượng sản xuất trực tiếp lên tới 10 triệu người.
TPP bắt nguồn từ hiệp ước thương mại giữa Singapore, New Zealand, Chile và Brunei vào năm 2006; sau đó có thêm sự tham gia của Úc, Canada, Malaysia, Mexico, Peru, Mỹ và Việt Nam. Lúc nắm quyền, hai người tiền nhiệm của ông Abe thuộc Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đề xuất tham gia TPP nhưng ý tưởng của họ đều vấp phải sự phản đối từ chính đảng của mình.
LDP của ông Abe và đối tác nhỏ hơn Komeito hiện chiếm đa số ghế ở Hạ viện nhưng cần giành đa số trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện vào tháng 7 tới để củng cố quyền lực. Song, chiến thắng ở Thượng viện và giành được sự phê chuẩn tham gia TPP vẫn là thách thức với ông Abe.
Hiện Mỹ và 10 nước thành viên TPP đang thúc đẩy một thỏa thuận vào cuối năm nay và khả năng Hội nghị thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương sẽ diễn ra ở Bali (Indonesia) vào tháng 10 tới. Nhưng khả năng Nhật Bản tham gia đàm phán vẫn để ngỏ. Tổng thống Mỹ Barack Obama chú trọng đến TPP vì ông muốn thúc đẩy hàng xuất khẩu vươn ra thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện tại, Nhật Bản đang đối mặt với các thách thức khổng lồ: tình trạng dân số già hóa, tỷ lệ sinh thấp... Ông Abe cũng đứng trước áp lực phải vực dậy nền kinh tế bị trì trệ kéo dài.
BÌNH YÊN