“Không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng ở Syria” là tuyên bố mạnh mẽ được Nga một lần nữa đưa ra tại Hội nghị Những người bạn của Syria diễn ra vào tuần trước ở thủ đô Rome của Ý. Cũng trong cuối tuần qua, Iran lại khẳng định điều này và nhấn mạnh rằng, sẽ không có quốc gia nào được phép quyết định số phận của người dân Syria.
Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem (trái) gặp gỡ người đồng cấp Iran Ali Akbar Salehi tại Tehran ngày 2-3. Ảnh: AP |
Theo quan điểm của Nga, nhiệm vụ khẩn cấp là kết thúc ngay tình trạng đổ máu và bạo lực dưới mọi hình thức tại Syria, nhanh chóng chuyển sang đối thoại. Đây cũng là tinh thần của thỏa thuận Geneva (Thụy Sĩ) tại Hội nghị Nhóm hành động về Syria vào ngày 30-6 năm ngoái nhưng bị đình trệ vì khi thực thi không bên nào chịu nhượng bộ. Bộ Ngoại giao Nga nói rằng, giải pháp nêu trên sẽ giúp thực hiện những mục tiêu chính ở Syria, bao gồm bảo đảm hòa bình, dân chủ, vì lợi ích của tất cả người dân quốc gia Trung Đông này.
Còn Iran vẫn bảo vệ đồng minh của mình - Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Cùng với Damascus, Tehran chỉ trích kế hoạch của Mỹ trong việc hỗ trợ phiến quân lật đổ Assad và bày tỏ hy vọng ông đảm nhận chức Tổng thống cho đến cuộc bầu cử năm 2014. Thậm chí, theo Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi, ông Assad lúc đó sẽ tham gia tranh cử Tổng thống.
Như vậy, bất chấp sự phản đối của Mỹ và phương Tây, Iran vẫn kiên quyết theo đuổi quan điểm của mình và ủng hộ nhà lãnh đạo mà Tehran cho là “Tổng thống hợp pháp duy nhất” của Syria. Cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem và người đồng cấp Iran Ali Akbar Salehi không những càng minh chứng điều đó, mà còn vạch ra những “thông số rõ ràng” cho bất kỳ cuộc đàm phán nào với phe đối lập của Damascus trong tương lai. Cuộc gặp này cũng mở đầu cho các hoạt động của Ngoại trưởng Al-Moallem tại Iran với các cuộc thảo luận về lợi ích chung và tập trung vào cuộc xung đột kéo dài 2 năm qua.
Trước đó, nhiều nhà ngoại giao quốc tế đã đến Syria để kêu gọi giải pháp hòa bình giữa Chính phủ và lực lượng nổi dậy theo thỏa thuận Geneva. Nhưng mọi nỗ lực hòa giải đều không mang lại kết quả. Điều kiện mà phe đối lập đặt ra là Tổng thống Assad phải từ chức thì họ mới chịu ngồi vào bàn nghị sự. Nhưng yêu cầu này đã và chắc chắn sẽ không được Chính phủ Syria chấp nhận.
Đến thủ đô Tehran, ông Al-Moallem muốn tìm kiếm tiếng nói của đồng minh - vốn được biết đến là cứng rắn, không khoan nhượng trước sự đe dọa của Mỹ cũng như phương Tây. Từ cuộc gặp này, cả Damascus lẫn Tehran đều lên án việc Washington cung cấp viện trợ phi sát thương trị giá 60 triệu USD cho các phiến quân đang giao chiến nhằm lật đổ ông Assad. “Tiêu chuẩn kép” của Mỹ đã rõ, vừa tuyên chiến với “khủng bố”, vừa ủng hộ lực lượng nổi dậy lật đổ Chính phủ.
Về phía Mỹ, sứ mệnh của tân Ngoại trưởng John Kerry hướng đến kết thúc nội chiến ở Syria sẽ khó thành công. Trả lời phỏng vấn tờ Sunday Times, Tổng thống Assad cho rằng, Ngoại trưởng Kerry đang lãng phí thời gian trong việc buộc ông phải rời bỏ quyền lực. Theo ông Assad, đây là vấn đề quốc tế và ông “không có ý định thảo luận với bất kỳ ai là người nước ngoài”.
70.000 người thiệt mạng ở Syria kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu vào tháng 3-2011 là con số quá lớn. Giới quan sát cho rằng, trong những ngày tới, một số nước châu Âu có những động thái phối hợp với phe đối lập gia tăng sức ép buộc ông Assad rời nhiệm sở.
Nước Anh không ngoại lệ. Xứ sở sương mù đang bị Tổng thống Assad cùng các quan chức khác lên án vì ủng hộ, giúp đỡ vũ trang cho lực lượng đối lập. Hồi đầu năm nay, ông Assad đã vạch ra kế hoạch giải quyết khủng hoảng nhưng thực hiện ý tưởng đối thoại quốc gia, trưng cầu dân ý của ông đều không đơn giản.
VĨNH AN