.

Triều Tiên dọa xóa bỏ hiệp ước đình chiến với Hàn Quốc

.

(ĐNĐT) - Ngày 5-3, Triều Tiên đã dọa sẽ hủy bỏ hiệp ước đình chiến vốn kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên vào năm 1953, trước các động thái của Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với vụ thử hạt nhân của nước này và căng thẳng qua cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ.

Đe dọa trên xuất hiện giữa lúc các báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho rằng, Mỹ và Trung Quốc đã thỏa thuận các biện pháp trừng phạt mới nhằm trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân vào tháng trước.

Một binh sĩ Triều Tiên bên kia biên giới dọc theo sông Yalu, gần thị trấn Sinuiju sau vụ thử hạt nhân ngày 12-2-2013 của Triều Tiên. Ảnh: AFP
Một binh sĩ Triều Tiên bên kia biên giới dọc theo sông Yalu, gần thị trấn Sinuiju sau vụ thử hạt nhân ngày 12-2-2013 của Triều Tiên. Ảnh: AFP

Trong một tuyên bố trên truyền thông chính thức, quân đội Triều tiên cho biết sẽ cắt đứt đường dây nóng tại làng đình chiến Panmunjom.

Triều Tiên còn đe dọa các biện pháp “mạnh mẽ” để đáp trả cái mà họ gọi là sự thù địch của Mỹ.

Hiệp ước đình chiến dẫn tới kết thúc cuộc chiến Triều Tiên năm 1953 sẽ “hoàn toàn” bị xóa bỏ từ ngày 11-3, khi cuộc tập trận chung Hàn Quốc và Mỹ sẽ bước vào giai đoạn cao trào ở Hàn Quốc, Triều Tiên tuyên bố. 

Cuộc tập trận thường niên “Đại bàng non” đã bắt đầu hôm 1-3 và sẽ tiếp diễn cho tới 30-4, với sự tham gia của hơn 10.000 binh sĩ Mỹ cùng với số lượng lớn hơn nhiều của các binh sĩ Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng luôn bác bỏ các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc bởi họ cho rằng, đây là một sự tập dượt để xâm lược Triều Tiên. Tuy nhiên, Seoul và Washington luôn khẳng định các cuộc tập trận mang tính chất phòng thủ.

Trước đây, Triều Tiên thường đe dọa sẽ xóa bỏ hiệp ước ngừng bắn mỗi khi căng thẳng hai miền dâng cao.

Theo hãng tin Reuters, vào lúc 16 giờ 00 GMT ngày 5-3, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ nhóm họp và tại phiên họp này, bản dự thảo về Nghị quyết trừng phạt Triều Tiên qua vụ thử hạt nhân hồi tháng 2 sẽ được phát tới các thành viên của Hội đồng.

Giới chức ngoại giao tại LHQ cho biết, có thể đến cuối tuần sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu đối với bản nghị quyết nói trên.

Trong một bản tin khác của Yonhap ngày 5-3, phát biểu về thông điệp mà cựu tuyển thủ bóng rổ Mỹ, Dennis Rodman mang về cho nước Mỹ sau khi gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến viếng thăm Triều Tiên vào tuần trước, cựu chính trị gia Donald Gregg cho rằng, Washington và Seoul cần coi đây là điều nghiêm túc bởi đây là một tín hiệu mạnh mẽ của sự cam kết từ Bình Nhưỡng.

“Đó là một tín hiệu mạnh mẽ sẽ cam kết với chúng ta. Thông điệp “Gọi cho tôi” của ông Kim Jong-un được diễn dịch là “tôi muốn nói chuyện với các ông”, ông Gregg nói.

Quang Hiển (theo CNA, Yonhap)

;
.
.
.
.
.