.

Trung Quốc chuẩn bị chuyển giao lãnh đạo

.

Ngân sách quốc phòng tăng thêm 10,7%

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2013 là 7,5% và cam kết đấu tranh chống tham nhũng được Trung Quốc đặt ra khi nước này sắp chuyển giao lãnh đạo mới.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa 12 chính thức khai mạc ngày 5-3 tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh với sự tham dự của gần 3.000 đại biểu. Dự kiến kỳ họp kéo dài đến ngày 17-3. Một trong những nội dung được dư luận trong nước cũng như thế giới quan tâm là việc chuyển giao lãnh đạo tại kỳ họp lần này. Theo đó, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ trở thành Chủ tịch Trung Quốc, thay thế ông Hồ Cẩm Đào; Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường trở thành Thủ tướng, thay thế ông Ôn Gia Bảo.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phát biểu tại phiên khai mạc. 				    Ảnh: THX
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phát biểu tại phiên khai mạc. Ảnh: THX

Tại phiên khai mạc, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa tích cực và chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt 7,5%; kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 3,5% (năm 2012, mức lạm phát là 2,6%); tạo hơn 9 triệu việc làm mới ở thành thị và duy trì tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị dưới 4,6%.

Báo cáo cũng cho hay, năm 2013, Trung Quốc đặt mục tiêu thâm hụt thương mại là 1.200 tỷ Nhân dân tệ (NDT - 91 tỷ USD), cao hơn 400 tỷ NDT so với năm ngoái. Ngân sách an sinh xã hội năm nay tăng 8,7%, lên mức 769,1 tỷ NDT (128 tỷ USD).

Về ngân sách quốc phòng, Trung Quốc có kế hoạch tăng thêm 10,7%, lên mức 720,2 tỷ NDT (115,7 tỷ USD). Năm ngoái, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 650,6 tỷ NDT, tăng 11,6% so với năm trước đó. Ngân sách quốc phòng của cường quốc châu Á này gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, tạo ra những lo ngại từ phía Mỹ và nhiều nước láng giềng. Các chuyên gia cho rằng, tổng ngân sách thật sự chi cho quân sự của Trung Quốc thực tế cao hơn so với những con số được công bố.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo đề cập những thành tựu trong thời gian ông nắm quyền, trong đó có chương trình chinh phục vũ trụ với tàu vũ trụ có người lái, bên cạnh đó là việc Trung Quốc có tàu sân bay đầu tiên, hệ thống định vị vệ tinh riêng, mạng lưới đường sắt cao tốc. Song, mối quan ngại của báo chí và dư luận Trung Quốc là nạn tham nhũng, tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng sống và khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn. “Chúng ta cần kiên quyết chống tham nhũng… và bảo đảm các quan chức, Chính phủ trong sạch, các vấn đề chính trị được xử lý trọn vẹn”, ông Ôn Gia Bảo nói.

Theo Reuters, sự giàu có của các nhà lãnh đạo đảng ở các cấp đang trở thành vấn đề “nóng” ở Trung Quốc. Sau khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch các quan chức công khai toàn bộ số tài sản đang sở hữu, bao gồm tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp, thu nhập, giá trị bất động sản, ô-tô và các khoản đầu tư khác. Năm ngoái, scandal liên quan đến cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai gây chấn động dư luận.

Về khoảng cách giàu - nghèo, Trung Quốc cần khoảng 40.000 tỷ NDT (6.400 tỷ USD) để thực hiện kế hoạch đô thị hóa trong 10 năm. Đảng Cộng sản Trung Quốc kỳ vọng kế hoạch này sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa khu vực thành thị giàu có và vùng nông thôn nghèo. Chính phủ mong muốn 60% dân số Trung Quốc sẽ trở thành những cư dân thành thị vào năm 2020. Song, để hiện thực hóa mục tiêu này, rất nhiều công việc phải làm như xây dựng nhà ở, đường sá, bệnh viện và trường học.

Chương trình Phát triển LHQ cho hay, khoảng 13% dân số Trung Quốc vẫn sống dưới mức 1,25 USD/ngày. Trong khi đó, theo Tạp chí Forbes danh tiếng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện có 122 tỷ phú USD. Báo cáo Hurun thống kê Trung Quốc có đến 317 tỷ phú, chiếm 1/5 số tỷ phú toàn thế giới.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.