.

Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư cảng chiến lược của Sri Lanka

.

(ĐNĐT) - Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc sẽ cung cấp một khoản vay 278,2 triệu USD cho Sri Lanka để lắp đặt một đường sắt nối đến một cảng then chốt mà Bắc Kinh đang xây dựng tại nước này, làm bùng lên mối quan ngại từ nước láng giềng Ấn Độ.

Cảng Hambantota, nằm trên mũi phía nam của đảo quốc Ấn Độ Dương này, được hình dung như là một điểm tiếp nhiên liệu và dịch vụ cho các tàu hàng, nằm trên một trong những tuyến đường vận chuyển hàng hải Đông - Tây bận rộn nhất thế giới.

Bản đồ thể hiện chiến lược “chỗi ngọc trai” của Trung Quốc.
Bản đồ thể hiện chiến lược “chỗi ngọc trai” của Trung Quốc.

Hôm 5-3, Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết các khoản cho vay của Trung Quốc sẽ được sử dụng để xây dựng một đường ray 27 km kết nối Hambantota đến Matara, thị trấn ven biển lớn nhất ở phía nam, “Nhu cầu vận tải giữa các tỉnh phía Nam và các tỉnh khác trong nước sẽ tăng do sự phát triển của khu vực phía Nam và hoạt động của cảng Hambantota”.

Nền kinh tế trị giá 59 tỷ USD đã ngày càng dựa vào Trung Quốc, cả về tài chính và chuyên môn kỹ thuật cho các dự án tái thiết.

Trung Quốc đã cho Sri Lanka vay 1,5 tỷ USD để xây dựng cảng Hambantota và 209 triệu USD cho một sân bay gần đó, sẽ được khai trương vào ngày 18-3 tới.

Sự mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Sri Lanka đã gây ra mối quan tâm ở Ấn Độ, khi Ấn Độ cảm thấy bị bao vây trong một chuỗi sự phát triển các cảng tương tự kéo dài từ Myanmar cho tới Pakistan và lo ngại Hải quân Trung Quốc thúc đẩy chiến lược trong khu vực.

Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đang quan tâm trước viễn cảnh chiến lược “chuỗi ngọc trai” bao gồm các cảng do Trung Quốc xây dựng và điều hành tại các nước láng giềng, như Gwadar (Pakistan), Hambantota (Sri Lanka), Chittagong (Bangladesh)…

Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đã thúc đẩy phát triển các dự án cơ sở hạ tầng ở miền Nam kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến tháng 5-2009. Đồng thời, ông Rajapaksa đã bác bỏ mối quan ngại của New Delhi và nói rằng sự hiện diện của Trung Quốc là vì lý do kinh doanh, chứ không phải chính trị.

Vĩnh Thụy (Reuters)

;
.
.
.
.
.