Tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết xem cải cách kinh tế là ưu tiên hàng đầu, đồng thời đấu tranh chống tham nhũng và kêu gọi kết thúc căng thẳng về an ninh mạng với Mỹ.
Phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường được đưa ra tại cuộc họp báo kéo dài hai tiếng đồng hồ sau khi bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 12 của Trung Quốc ngày 17-3 ở thủ đô Bắc Kinh. Đây là cuộc họp báo đầu tiên do ông chủ trì trên cương vị mới, thay thế ông Ôn Gia Bảo vừa kết thúc nhiệm kỳ. Kỳ họp Quốc hội đã diễn ra trong 2 tuần, từ ngày 5-3 đến 17-3.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng các Phó Thủ tướng: Trương Cao Lệ, Lưu Diên Đông, Uông Dương và Mã Khải đến tham dự họp báo. Ảnh: THX |
Cải cách liên quan vận mệnh đất nước
Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng, ba nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ là duy trì tăng trưởng kinh tế mức 7,5% trong năm nay, cải thiện đời sống nhân dân và bảo vệ công bằng xã hội. Hãng Reuters dẫn lời tân Thủ tướng Trung Quốc đề cập sự cần thiết tiến hành cải cách để bảo đảm nền kinh tế ổn định lâu dài. “Ưu tiên cao nhất sẽ là duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định”, ông phát biểu mở đầu cuộc họp báo.
Theo ông Lý Khắc Cường, một trong những nhân vật được xem là đại diện cho thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc, khi cải cách, Bắc Kinh có thể đối mặt với một số vấn đề và phải giải quyết hài hòa các lợi ích. “Cải cách liên quan đến vận mệnh của đất nước và tương lai của đất nước”, ông nói.
Cụ thể, ông cam kết cải cách thị trường vốn, tiền tệ và đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí, xây dựng Chính phủ trong sạch. Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội, tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi các đại biểu chống lối sống xa hoa, kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực và tham nhũng. Trước gần 3.000 đại biểu, vị Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước nhắc đến khái niệm “thời kỳ phục hưng vĩ đại” và hiện thực hóa “giấc mơ Trung Quốc” nhưng lại không đưa ra cải cách cụ thể nào.
Trong khi đó, theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, nỗ lực cải cách được mở rộng hơn sẽ dẫn đến việc thúc đẩy kiểm soát môi trường, giảm ô nhiễm môi trường, gia tăng các tiêu chuẩn an toàn nguồn nước và thực phẩm. Vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển không những khiến người dân ở cường quốc châu Á này bức xúc mà cả Đảng cầm quyền cũng quan ngại về nguy cơ các cuộc biểu tình và bất ổn xã hội.
Nông dân hưởng lợi từ đô thị hóa
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn lo lắng về sự phát triển không cân bằng như khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn ở đất nước có 1,3 tỷ người. Thủ tướng Lý Khắc Cường tái khẳng định việc cải cách phân phối thu nhập, thúc đẩy an sinh xã hội như giải pháp để trấn an dân. Ông vẫn chủ trương thực hiện đô thị hóa, bởi đô thị hóa là kết quả tự nhiên của quá trình hiện đại hóa, và thực tế quy mô đô thị hóa rất lớn của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của thế giới.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này khẳng định Chính phủ sẽ tạo ra những chính sách hợp lý để nông dân hưởng lợi từ đô thị hóa. “Đô thị hóa phải giúp nông dân hưởng mức sống tương đương với cư dân thành thị. Quá trình đô thị hóa trong tương lai của Trung Quốc gắn liền với công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp. Các vùng phía Đông và Tây của Trung Quốc sẽ theo đuổi chủ trương công nghiệp hóa có chọn lọc”, ông nhấn mạnh.
Chương trình Phát triển LHQ cho biết, hiện khoảng 13% dân số Trung Quốc sống dưới mức 1,25 USD/ngày, thu nhập ở vùng đô thị bình quân chỉ 21.850 Nhân dân tệ/năm (3.500 USD). Song, theo Tạp chí Forbes, Trung Quốc có 122 tỷ phú USD. Trong khi đó, danh sách của Báo cáo Hurun cho hay, cường quốc này có đến 317 tỷ phú, chiếm 1/5 số tỷ phú của thế giới.
Quan hệ “kiểu mới” với Mỹ
Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng sẽ làm việc với Mỹ theo “quan hệ kiểu mới”, trong đó chú trọng thương mại và đầu tư, vì lợi ích hòa bình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hãng AP dẫn lời tân Thủ tướng rằng, bất chấp những khác biệt giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, Washington và Bắc Kinh đều tôn trọng mối quan tâm lớn của mỗi bên và tìm cách giải quyết sự khác biệt đó. Con số 500 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều trong năm ngoái là minh chứng cho sự hợp tác giữa hai quốc gia ở hai bờ đại dương.
Ông Lý Khắc Cường không đề cập cụ thể về “trục” quân sự Mỹ hướng đến châu Á. Ông không nói về bất đồng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới xung quanh tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản; cũng không nhắc đến kế hoạch thúc đẩy phòng vệ tên lửa của Mỹ - một giải pháp được cho là phản ứng lại “hành động khiêu khích và thiếu trách nhiệm” của CHDCND Triều Tiên. Ông chỉ bác bỏ cáo buộc Trung Quốc đứng sau một số vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính của Chính phủ, quân đội, công ty và truyền thông Mỹ.
Tuần trước, trong cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ quan ngại về hacker của Trung Quốc. Trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đến Trung Quốc cũng sẽ đặt vấn đề các cuộc tấn công của hacker và yêu cầu Bắc Kinh phải tiến hành điều tra.
Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn nội các mới do tân Thủ tướng Lý Khắc Cường đề cử với 4 Phó Thủ tướng, 5 ủy viên Quốc vụ viện và 25 Bộ trưởng. Các Phó Thủ tướng bao gồm: Lưu Diên Đông, Trương Cao Lệ, Uông Dương, Mã Khải. 5 ủy viên Quốc vụ viện: Dương Tinh, Thường Vạn Toàn, Dương Khiết Trì, Quách Thanh Côn, Vương Dũng. Cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Vương Nghị được phê chuẩn làm Ngoại trưởng; Tham mưu trưởng quân khu Bắc Kinh và Giám sát chương trình vũ trụ Thường Vạn Toàn làm Bộ trưởng Quốc phòng. |
VĨNH AN