.

Khó nối lại đàm phán liên Triều

.

Đàm phán cấp Bộ trưởng giữa hai miền Triều Tiên vốn dự kiến diễn ra vào ngày 12 và 13-6 tại Seoul đã bị hủy. Seoul khẳng định vẫn để ngỏ khả năng đàm phán nhưng việc nối lại quả thật không dễ.

Theo kế hoạch, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Nam-sik (phải) dẫn đầu phái đoàn đàm phán với CHDCND Triều Tiên.                                                    Ảnh: Reuters
Theo kế hoạch, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Nam-sik (phải) dẫn đầu phái đoàn đàm phán với CHDCND Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae ngày 12-6 cho rằng, đàm phán đình trệ đánh dấu tiến trình thiết lập mối quan hệ xuyên biên giới rất khó khăn và CHDCND Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về việc này. Theo vị quan chức hàng đầu của Hàn Quốc về quan hệ liên Triều, việc hủy đàm phán - hội nghị cấp Bộ trưởng lần đầu tiên kể từ năm 2007 đến nay vốn được kỳ vọng xây dựng niềm tin giữa hai nước láng giềng - làm tổn thương quan hệ Seoul - Bình Nhưỡng. Ông Ryoo Kihl-jae nói rằng, Hàn Quốc vẫn để ngỏ khả năng đối thoại nhưng để ngồi vào bàn nghị sự thì quốc gia phía Bắc cũng phải thể hiện thiện chí về “mối quan hệ liên Triều mới”.

Theo kế hoạch, đàm phán tập trung bàn thảo một số vấn đề “nóng” như: bình thường hóa hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong và khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương... Khu công nghiệp Kaesong là tâm điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong tháng 4 vừa qua. Nếu dự án chung này bị đóng cửa vĩnh viễn, CHDCND Triều Tiên sẽ mất khoản lợi nhuận rất lớn, ước tính 90 triệu USD/năm. Khu du lịch núi Kim Cương bị đóng cửa vào năm 2008 khi một nhân viên an ninh của CHDCND Triều Tiên bắn một du khách Hàn Quốc nhưng sau đó từ chối xin lỗi.

Yonhap cho hay, cuộc gặp gỡ bị hủy vào giờ phút cuối do cả hai bên đều không thống nhất về thành phần đại diện của mỗi nước. Khi trao đổi danh sách 5 thành viên phái đoàn, CHDCND Triều Tiên cho rằng, trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Kim Nam-shik, là quan chức “cấp thấp” nên không phù hợp để chủ trì đàm phán, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng Ryoo Kihl-jae tham dự. Theo quốc gia phía Bắc, lựa chọn ông Kim Nam-shik là “sự khiêu khích nghiêm trọng”.

Trong khi đó, phía Hàn Quốc yêu cầu trưởng đoàn đàm phán của Bình Nhưỡng phải là ông Kim Yang-gon, người đứng đầu Cơ quan Mặt trận thống nhất của Đảng Lao động Triều Tiên, thay cho ông Kang Ji-yong. Seoul lý giải cho yêu cầu của mình rằng, việc cử ông Kim Yang-gon, từng là cố vấn thân thiết với cựu lãnh đạo Kim Jong-il, cho thấy Bình Nhưỡng rất xem trọng đàm phán.

Cũng trong ngày 12-6, CHDCND Triều Tiên không trả lời điện thoại đường dây nóng của Hàn Quốc lúc 9 giờ. Đường dây nóng chạy qua làng đình chiến Panmunjom, được nối lại vào ngày 7-6 vừa qua. Động thái này được cho là liên quan đến việc hủy đàm phán.

Các nhà phân tích nhận định: Những diễn biến mới nhất là minh chứng về quan hệ xuyên biên giới vốn mong manh và sự thiếu niềm tin giữa hai miền Triều Tiên. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae cũng cho rằng, nối lại đàm phán sẽ là điều khó khăn, mặc dù nữ Tổng thống Park Geun-hye chủ trương xây dựng niềm tin với người láng giềng phía Bắc. Còn Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won giờ đây bày tỏ thất vọng và tuyên bố Seoul sẽ không nhượng bộ vô thời hạn với Bình Nhưỡng nữa.

Quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc rơi vào tình trạng “đóng băng”, nhất là từ sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân vào tháng 2-2013, đồng thời đe dọa tấn công Seoul lẫn Washington bằng vũ khí hạt nhân.

THIÊN BÌNH
 

;
.
.
.
.
.