Việc bảo đảm tiến trình chính trị nhằm kết thúc cuộc nội chiến ở Syria chi phối Hội nghị Thượng đỉnh G8 diễn ra ở Bắc Ireland ngày 17 và 18-6, thay vì các nhà lãnh đạo tập trung bàn thảo chủ yếu về thương mại, tăng trưởng kinh tế cùng các vấn đề thuế những lần họp trước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Anh David Cameron gặp gỡ trước khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G8. Ảnh: AP |
Giới quan sát cho rằng, việc Hội nghị Thượng đỉnh G8 lần thứ 39 trở thành diễn đàn về Syria không gây ngạc nhiên bởi giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này đang thu hút sự chú ý của các cường quốc như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẵn sàng cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Ông Obama đến Bắc Ireland cùng vợ, hai con gái Malia và Sasha. Ông chủ Nhà Trắng cũng hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tối 17-6. Đây là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga kể từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Mexico năm ngoái.
Theo AFP, đến Bắc Ireland, Tổng thống Putin rơi vào tình thế 1 đối chọi 7, chịu sức ép của các cường quốc trong vấn đề Syria bởi chỉ có Nga đơn độc ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Assad. Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định ông sẽ nỗ lực vượt qua “những khác biệt lớn” với Nga để giải quyết cuộc nội chiến ở Syria. Các nhà lãnh đạo khác của G8 cũng kỳ vọng các nước giàu nhất thế giới sẽ tạo được một mặt trận thống nhất, có tiếng nói chung trong việc chống lại ông Assad để từ đó gây áp lực buộc Nga “quay lưng” với đồng minh.
Tuy nhiên, cam kết của ông Cameron sẽ khó thực hiện bởi Nga chưa có dấu hiệu “thỏa hiệp” mà vẫn bác bỏ các cáo buộc cho rằng Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học để tấn công quân nổi dậy và dân thường. Mátxcơva cũng kiên quyết chống lại bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào công việc nội bộ của đồng minh Syria.
Trong khi đó, Mỹ tuyên bố gia tăng sự ủng hộ lực lượng nổi dậy về “quy mô và phạm vi” sau nhiều tháng tranh cãi xung quanh vai trò của Washington trong cuộc xung đột. Anh và Pháp cho rằng, Chính phủ của Tổng thống Assad đã sử dụng vũ khí hóa học. Song, hai quốc gia châu Âu này không chỉ trích Damascus gay gắt như Mỹ, mà ủng hộ mạnh mẽ quyết định kết thúc cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria.
Hãng AFP cho biết, ngoài Mỹ, Anh, Pháp, các nước khác thuộc G8 cũng có những quan điểm tương tự: kêu gọi Nga ủng hộ sự can thiệp của LHQ vào Syria. Trước khi đến Bắc Ireland, Tổng thống Obama đã trao đổi với các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Ý và Đức để bàn cách ủng hộ sự chuyển tiếp chính trị để kết thúc khủng hoảng tại Syria. Song, Nhà Trắng vẫn chưa công khai cụ thể về giải pháp ủng hộ phe đối lập ở Syria, mặc dù CNN tiết lộ rằng, các vũ khí nhỏ, đạn dược và có khả năng thêm vũ khí chống tăng sẽ là một phần trong sự hỗ trợ của Mỹ.
Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh G8 khai mạc, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ Thủ tướng Ý Enrico Letta, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande để khởi động đối thoại về thỏa thuận tự do thương mại Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Công việc đàm phán này sẽ kết thúc vào cuối năm 2014. An ninh tại Bắc Ireland được siết chặt với sự hiện diện của 8.000 cảnh sát. Các nhà lãnh đạo khác được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G8 gồm: EU, Mexico, Libya và Ethiopia. |
PHÚC NGUYÊN