Tổng thống đắc cử của Iran Hassan Rohani gọi việc ông dẫn đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống ở quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này là “chiến thắng của sự ôn hòa”.
Ông Hassan Rohani (giữa) sẽ là Tổng thống mới của Iran. Ảnh: AP |
“Sự ôn hòa đã vượt lên chủ nghĩa cực đoan”, ông Rohani lý giải về việc mình giành được 50,7% số phiếu. Trong khi đó, Thị trưởng Tehran Mohammad Baqer Qalibaf đạt 16,56% số phiếu; ông Saeed Jalili - Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran - đứng thứ ba với 11,35%. Như vậy, ông Rohani không phải trải qua vòng bầu cử lần hai, tránh rơi vào những tranh cãi như cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2009. “Đây là một bước tiến quan trọng, mạnh mẽ đối với lợi ích dân tộc dựa trên cơ sở của ôn hòa, cải cách và hợp lý”, người sẽ thay thế Tổng thống sắp mãn nhiệm Mahmoud Ahmadinejad nói.
Bài viết nhan đề “Tạm biệt Ahmadinejad, chào đón Rohani” của CNN cho hay, trong một vài tuần tới, ông Ahmadinejad - vị Tổng thống cứng rắn thường có những phát biểu gây “sốc” - sẽ chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm 64 tuổi.
Được biết đến là giáo sĩ ủng hộ chủ trương cải cách của cựu Tổng thống Mohammad Khatami và là nhân vật chủ chốt trên chính trường Iran, từng nắm giữ nhiều vị trí như Phó Chủ tịch Quốc hội, người đại diện của nhà lãnh đạo Ayatollah Ali Khamenei tại Hội đồng An ninh quốc gia tối cao, ông Rohani muốn đưa đất nước đi theo đường lối ôn hòa. Vì vậy, việc ông đắc cử Tổng thống là dấu hiệu về sự đổi thay của Iran trong tương lai. Biểu hiện cụ thể nhất là ông cam kết khôi phục quan hệ ngoại giao với các cựu thù của Iran như Mỹ - quốc gia đã cắt đứt quan hệ với Tehran do vụ các sinh viên Hồi giáo chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ vào năm 1979. Theo các nhà quan sát, kết quả bầu cử minh chứng người dân Iran đã lắng nghe thông điệp của ông Rohani rằng, họ cần bỏ phiếu cho sự thay đổi và vị chính khách này là sự lựa chọn tốt nhất để biến hy vọng của cử tri thành những thay đổi thật sự trong các chính sách đối nội cũng như đối ngoại.
Hàng chục nghìn người dân đã đổ ra đường phố Tehran để ăn mừng chiến thắng. Họ mang chân dung ông Rohani, hô vang tên nhà lãnh đạo tương lai vốn thông thạo tiếng Anh, Đức, Pháp, Nga và Arab.
Những phát biểu của ông Rohani với những người ủng hộ đang reo hò chiến thắng cũng mang lại niềm tin mới cho đất nước Iran. Ông cam kết Tehran cùng các cường quốc sẽ có thể mở rộng quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, đồng thời thiết lập nền hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và thế giới. Khi ông nhậm chức, bức tranh về quan hệ giữa Iran với các cường quốc sẽ có thể tươi sáng hơn bởi năm 2003, Rohani từng là nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Tehran, dưới thời Tổng thống Khatami. Lúc đó, ông đồng ý Iran sẽ ngừng các hoạt động làm giàu uranium. Sự thay đổi lãnh đạo ở Iran cũng sẽ mở ra những cơ hội mới cho nhiều nước, trong đó có phương Tây, trong việc cài đặt lại quan hệ với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Tân Hoa xã dẫn lời GS Sadeq Zibakalam của ĐH Tehran kỳ vọng rằng, ông Rohani sẽ tạo ra những thay đổi lớn cho Iran, cả vấn đề trong nước lẫn quốc tế, nhất là với sự phát triển kinh tế, chính sách ngoại giao và hạt nhân. Tỷ lệ lạm phát của Iran hiện hơn 31%, tỷ lệ thất nghiệp hơn 20%.
Trong niềm hân hoan, lãnh đạo tối cao Khamenei kêu gọi tất cả người dân Iran hỗ trợ Tổng thống vì “bây giờ ông ấy là Tổng thống của đất nước này”. Dự kiến ngày 3-8 ông Khamenei sẽ phê chuẩn kết quả bầu cử trước khi tân Tổng thống tuyên thệ trước Quốc hội.
Ngày 16-6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo cộng đồng quốc tế không nên giảm các biện pháp trừng phạt Iran sau cuộc bầu cử Tổng thống. Theo ông Netanyahu, Iran sẽ được kiểm tra qua các hành động của mình. Israel vốn xem Iran là mối đe dọa hiện hữu bởi Tehran từng đe dọa hủy diệt Nhà nước Do Thái và cũng bởi nước Hồi giáo này ủng hộ các nhóm chiến binh chống lại Tel Aviv. Một nguyên nhân khác nữa, chương trình tên lửa và hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran bị Israel quy kết là nhằm chế tạo bom nguyên tử. |
THIÊN BÌNH