.

Thổ Nhĩ Kỳ: "Tối hậu thư" cho người biểu tình

.

24 tiếng đồng hồ là thời hạn mà Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa ra để lực lượng cảnh sát buộc những người biểu tình rời khu vực Quảng trường Taksim ở thành phố Istanbul.

Lực lượng ủng hộ Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan cũng xuống đường biểu tình nhằm bảo vệ Chính phủ.                                                                                                                    Ảnh: AP
Lực lượng ủng hộ Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan cũng xuống đường biểu tình nhằm bảo vệ Chính phủ. Ảnh: AP

Thủ tướng Erdogan gọi những người biểu tình là “những kẻ gây rối”. Ngày 13-6, nhà lãnh đạo này đưa ra “tối hậu thư” 24 giờ để “dọn dẹp” Quảng trường Taksim, tức chỉ sau một ngày Đảng Công lý và Phát triển (AK) của ông đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý xung quanh dự án phá bỏ Công viên Gezi ở Quảng trường Taksim - một trong những không gian xanh hiếm hoi còn lại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Dự án này gây nhiều tranh cãi và làm dấy lên các cuộc biểu tình chống Chính phủ trên khắp đất nước suốt hai tuần qua, bắt đầu từ ngày 31-5. Hãng AP cho biết, thêm 2 người chết do xung đột, nâng tổng số người chết lên 5 người và hơn 5.000 người khác cùng hàng trăm cảnh sát bị thương. Căng thẳng gia tăng làm dấy lên quan ngại rằng, cường quốc khu vực này rơi vào tình trạng bất ổn, đồng thời có thể đẩy kinh tế vào suy thoái; hình ảnh Thổ Nhĩ Kỳ - đất nước có 75 triệu người và là một hình mẫu dân chủ Hồi giáo - đang bị phá hủy.

Một số nhà ngoại giao châu Âu lo lắng về phản ứng “quá tay” của các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ với những người biểu tình. Hiện vẫn chưa có giải pháp cụ thể để Ankara thoát khỏi khủng hoảng, nhưng việc trưng cầu dân ý về dự án Gezi mà Phó Chủ tịch AK Huseyin Celik đưa ra (theo đề xuất của Thủ tướng Erdogan) được các nhà quan sát xem là cách thức phù hợp. Ông Celik cho rằng, có lẽ sau khi người dân bày tỏ nguyện vọng của mình bằng lá phiếu thì họ sẽ trở về nhà. “Những ai có hành động khiêu khích và vẫn ở lại công viên thì sẽ đối mặt với cảnh sát”, ông Celik khẳng định.  

Tuy nhiên, với lực lượng biểu tình, việc trưng cầu dân ý lại không phù hợp. Theo Tayfun Kahraman, đại diện các nhóm môi trường, việc trưng cầu dân ý nên dành cho những vấn đề liên quan đến Hiến pháp.
Sau khi trở về nước từ chuyến công du nước ngoài, Thủ tướng Erdogan loay hoay đối phó với biểu tình và chưa thể xoa dịu được làn sóng tức giận đang nhằm vào ông. Đối mặt với thử thách lớn nhất trong suốt hơn 10 năm nắm quyền, theo giới quan sát, ông Erdogan cùng nội các vẫn ủng hộ giải pháp “cứng rắn”. Ông còn gọi người biểu tình là “những kẻ cực đoan”, “những kẻ cướp”. Việc ông gặp gỡ một nhóm gồm 11 người ở thủ đô Ankara, trong đó có các nghệ sĩ, kiến trúc sư và một chuyên gia truyền thông xã hội cũng chưa mang lại kết quả khả quan nào. Bởi lẽ, các nhóm liên quan trực tiếp đến các biểu tình đã “tẩy chay” cuộc gặp, nói rằng họ không được mời và những người tham dự không đại diện được cho họ.

Trong lúc đó, Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler khuyến cáo người biểu tình nên rút khỏi Công viên Gezi để tránh căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, AFP cho biết, hàng trăm người vẫn quyết “bám trụ”, bất chấp cả “tối hậu thư”.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.