.
HAI MIỀN TRIỀU TIÊN

Cái bắt tay khó thành

.

Vòng đàm phán hiếm hoi đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên tại làng Panmunjom ngày 12-2 kết thúc mà không có thỏa thuận nào, do bị phủ bóng cuộc tập trận giữa Hàn Quốc và Mỹ diễn ra vào cuối tháng này.

Những người biểu tình tập trung gần Đại sứ quán Mỹ ở Seoul phản đối sự hiện diện của Ngoại trưởng John Kerry khi hai miền đang đàm phán.      Ảnh: AP
Những người biểu tình tập trung gần Đại sứ quán Mỹ ở Seoul phản đối sự hiện diện của Ngoại trưởng John Kerry khi hai miền đang đàm phán. Ảnh: AP

Vòng đàm phán thứ hai cấp cao nhất giữa hai miền Triều Tiên từ năm 2007 đến nay sẽ được nối lại vào ngày 14-2.

Yêu cầu của CHDCND Triều Tiên

Hàn Quốc bác bỏ yêu cầu của CHDCND Triều Tiên về việc hoãn tập trận quân sự với Mỹ. Một quan chức Hàn Quốc ngày 13-2 cho biết, Bình Nhưỡng muốn Seoul hoãn diễn tập để tránh làm đổ vỡ kế hoạch tổ chức đoàn tụ các gia đình ly tán thời Chiến tranh Triều Tiên từ ngày 20 đến 25-2 tới. AP dẫn lời GS Koh Yu-hwan của Đại học Dongguk ở Seoul cho rằng, yêu cầu của Bình Nhưỡng làm dấy lên khả năng không những cuộc đoàn tụ sẽ bị trì hoãn như từng xảy ra hồi tháng 9 năm ngoái, mà nỗ lực của Seoul nhằm xây dựng niềm tin giữa hai nước láng giềng cũng gặp trở ngại.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định: cuộc đoàn tụ vẫn sẽ được tổ chức. CHDCND Triều Tiên được cho là đang cần có quan hệ tốt với Hàn Quốc để thúc đẩy đầu tư và viện trợ, cũng như nối lại hợp tác liên doanh vốn mang lại nhiều lợi nhuận cho Bình Nhưỡng.

CHDCND Triều Tiên chỉ trích tập trận là động thái chuẩn bị chiến tranh, trong khi cả Hàn Quốc lẫn Mỹ đều bác bỏ điều này. Seoul và Washington khẳng định: tập trận mang tính thường niên, dự kiến bắt đầu vào ngày 24-2 và kéo dài đến giữa tháng 4. Hiện có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc.

Theo Reuters, yêu cầu do CHDCND Triều Tiên đưa ra là bước lùi của nước này và là dấu hiệu xung đột mới nhất. Trước đó, quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên hoãn lời mời đặc sứ Mỹ đến Bình Nhưỡng để bàn thảo về số phận của công dân Mỹ gốc Hàn Kenneth Bae bị bắt ở đây.

Sứ mệnh của Ngoại trưởng Mỹ

Cũng trong ngày 13-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có mặt ở Hàn Quốc, bắt đầu chuyến công cán với sứ mệnh xoa dịu căng thẳng ở châu Á, như giữa Trung Quốc với các nước láng giềng xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ và mở đường để tái khởi động cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Tại Hàn Quốc, Ngoại trưởng Kerry tìm hiểu chi tiết về cuộc đối thoại liên Triều, suy nghĩ giữa hai miền Triều Tiên về việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản và cách thúc đẩy hợp tác giữa Washington, Bắc Kinh, Seoul, Tokyo nhằm đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đám phán. Ông Kerry sẽ mang thông điệp tương tự về vấn đề CHDCND Triều Tiên trong cuộc gặp gỡ các quan chức cấp cao Trung Quốc khi nhà ngoại giao này đến Bắc Kinh vào hôm nay (14-2). Mục đích của Mỹ là muốn Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình đối với đồng minh Bình Nhưỡng để tiến hành phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Các quan chức Mỹ cho hay, ông Kerry muốn ưu tiên việc nối lại đàm phán 6 bên nhưng vẫn nghi ngại về quan điểm và thiện chí của Bình Nhưỡng.  

Dù vậy, nhà phân tích Pail Hak-soon ở Viện Sejong tại Seoul bày tỏ lạc quan về tiến trình đàm phán giữa hai miền Triều Tiên tuy ông không hy vọng một “quyết định quan trọng” nào được đưa ra. Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng cho rằng, đàm phán là cơ hội tốt để hai miền hiểu nhau hơn.

Trong chuyến công cán này, ông Kerry cũng sẽ dừng chân ở Indonesia rồi sau đó đến Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) và trở về Washington vào ngày 18-2.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.